Biểu tượng sáng ngời về khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội

11/11/2022 | 15:19 GMT+7

Ngày 7-11-1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập lên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH); mở đường cho chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào các quốc gia, dân tộc trên thế giới. V.I.Lênin từng nhận định, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đầu cho “một thời đại mới trong lịch sử loài người”, “một sự nghiệp mới mẻ sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”.

Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất... Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

V.I.LÊNIN - LINH HỒN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra đã đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu cấp thiết của lịch sử là xóa bỏ chế độ TBCN để xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là CNXH. Cuộc cách mạng đó đã biến ước mơ, khát vọng ngàn đời của những người bị áp bức, bóc lột thành hiện thực, để rồi nhân loại cần lao cùng thốt lên: “Nước Nga có chuyện lạ đời. Biến người nô lệ thành người tự do”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Lăng Lênin ngày 16-7-1957.

Để có được thắng lợi vang dội đó, những người Bôn-sê-vích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin đã chuẩn bị về mọi mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự... Và dưới ánh sáng của “Luận cương tháng Tư”, sự chỉ đạo của V.I.Lênin, những người Bôn-sê-vích xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo, đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.

V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng đều đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân. Chừng nào mà bước ngoặt như thế chưa chín muồi, thì không một cuộc cách mạng thật sự nào lại có thể nổ ra được. Và, cũng như mỗi bước ngoặt trong cuộc đời của một người đều đem lại cho người đó rất nhiều bài học, làm cho người đó sống qua và nếm trải rất nhiều cái, thì cách mạng cũng vậy, nó cũng đem lại cho toàn thể nhân dân, trong một thời gian ngắn, những bài học bổ ích nhất và quý giá nhất”.

Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng, vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước XHCN, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh, để xứng đáng với tư cách là một đảng cách mạng chân chính, các đảng cộng sản phải luôn đề phòng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực trong nội bộ đảng như: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc quyền, đặc lợi, xa dân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội chủ nghĩa; phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; phải thường xuyên tự điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn...

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỮNG BƯỚC ĐI THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Cũng từ đó, Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam...

Tháng 7-1920, khi Người đang hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tham gia sinh hoạt tại Đảng Xã hội Pháp, Người được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (Sơ thảo), đăng trên Báo Nhân Đạo, số ra ngày 16, 17-7-1920.

Luận cương của V.I.Lênin với 12 luận điểm đặc biệt quan trọng đề cập những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, như quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc; tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân ở các thuộc địa; vấn đề chính quyền; quốc tế nào bênh vực các nước thuộc địa… đã không chỉ giúp Người hiểu được những vấn đề căn cốt nhất, trả lời được câu hỏi Người đau đáu nhất, mà còn đưa đến một định hướng chính trị rõ ràng, một quyết định có ý nghĩa lịch sử trọng đại.

Từ sự “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao!” vào “chiếc cẩm nang thần kỳ” này, Người đã khẳng định: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”; và đây cũng chính là niềm tin, là cơ sở để Người vững bước đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (họp ở thành phố Tua, tháng 12-1920), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ tự tin bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III của V.I.Lênin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, mà còn trở thành một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Từ đây, Người bắt đầu một chặng đường mới hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi, để không chỉ đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga - con đường cách mạng vô sản, mà còn góp phần tuyên truyền, tập hợp nhân dân các thuộc địa vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân; chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa thực dân và đoàn kết nhân dân các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh để tự giải phóng mình, dân tộc mình khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vẻ vang.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra…”.

Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta vững bước đi lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Với những thắng lợi vĩ đại giành được trong suốt 92 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế, uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Theo BAOAPBAC.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>