Xử lý rác thải khu dân cư, cần giải pháp hài hòa

13/01/2023 | 11:48 GMT+7

Việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đang được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, với việc phát triển các khu dân cư, đô thị kéo theo lượng rác phát sinh lớn, nhưng chưa xử lý triệt để làm môi trường bị ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị...

Rác bị vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan.

Dạo quanh Khu dân cư Thiên Lộc - Hậu Giang ở huyện Châu Thành A không khó bắt gặp những thùng rác không có nắp đậy, cạnh đó là những bãi rác, thay vì được để vào thùng theo quy định thì lại bị vứt bừa bãi, gây phát sinh mùi hôi vừa mất mỹ quan. Mặt khác, những thùng rác công cộng chỉ được đặt ở một số điểm nhất định và thường xa, mà nhiều người lại ngại đi xa nên quen chỗ nào cứ đổ chỗ đó.

Chị Bích Vân, sinh sống ở khu dân cư Thiên Lộc - Hậu Giang, ở huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Người ta thấy trống rồi vứt đại, chứ mình ở đây bỏ vào thùng đàng hoàng, nhưng phải đi hơi xa, 2-3 ngày có người vô gom, đổ 1 lần”.

Ông Sáu, một người dân đang sinh sống ở khu dân cư này cho biết thêm: “Có khi xe vô cách bữa thu gom mang đi xử lý không chừng, có khi một bữa vô một lần. Để thùng rác ngay ngã ba tránh xa nhà nên cũng đỡ hôi. Đa số người dân vứt ở ngoài. Nhiều người không có ý khi đem rác ra nhưng không bỏ vào thùng”.

Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng chưa tốt, thêm vào đó là việc bố trí các thùng rác chưa đảm bảo yêu cầu do lượng rác thải phát sinh lớn đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường. Chị Nguyễn Thị Nhi bộc bạch: “Cũng muốn có thùng rác hẳn hoi, đàng hoàng để chuột bọ đỡ chạy lung tung, chó, gà không bươi ra thì đỡ dơ hơn”.

Liên quan đến vấn đề rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư Thiên Lộc - Hậu Giang, ông Nguyễn Minh Chơn, Công ty Cổ phần Thiên Lộc - Hậu Giang, cho biết: Đơn vị có ký hợp đồng thu gom rác, hiện chủ đầu tư bỏ tiền ra trước rồi thu tiền lại của người dân khoảng 20.000-30.000 đồng/tháng. Nhưng có người không đóng. Mặt khác, theo ông Chơn, những dự án nào chưa bàn giao thì rác nhà đầu tư tự lo, tự trả vì lý do đó mà nhà đầu tư không thể nào quản lý nguồn rác đó.

Ông Nguyễn Minh Chơn nhìn nhận: Trước đây, đầu tư một điểm là 20 thùng nhưng bây giờ 30 thùng vẫn không đủ cho bà con, tại vì lượng rác quá lớn. Mình tập kết ở điểm nào dân không có ở thì bỏ vào trong thùng đó, công ty rác sẽ đến thu gom. Ví dụ hiện nay 1 tấn, nhưng mình ký hợp đồng với đơn vị 700kg thì đơn vị cũng gom ở tầm đó thôi. Công ty rác vô gom đầy xe thì chạy đi. Tức là công ty rác họ cũng nói do tần suất đi họ tính chi phí rồi, không đi nhiều chuyến được. Rác còn lại bỏ đó, qua ngày hôm sau phát sinh mùi môi, chứ đáng ra phải gom trong buổi.

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang cho biết, Công ty Cổ phần Thiên Lộc - Hậu Giang tự thu gom, tập kết lại một điểm rồi phía đơn vị có chức năng lại thu gom rác, đưa đi xử lý đúng quy định. Trường hợp rác tồn lại trong ngày thỉnh thoảng vẫn có nhưng không thường xuyên. Ông Lực đưa ra ví dụ như hôm nay một chuyến đầy quá, còn lỡ dỡ ít thì chừa lại bữa sau lấy bù, chứ không phải cù trong đó mà không đóng tiền, không lấy rác hay là tiền bao nhiêu thì lấy bao nhiêu.

Với việc rác thải sinh hoạt phát sinh ngày một tăng, rất cần có những giải pháp căn cơ, hài hòa giữa các bên để khu dân cư thật sự là nơi “an cư, lạc nghiệp”, người dân được thụ hưởng các tiện ích mà khu dân cư mang lại và trên hết vẫn là ý thức của mỗi người để môi trường sống được xanh, sạch, đẹp.

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>