Tích cực ứng phó hạn, mặn

22/02/2023 | 09:42 GMT+7

Theo nhận định của các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu nên mùa khô kết hợp với nước mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đến sớm và gay gắt hơn mọi năm.

Nhà vườn đổ sình giúp cây trồng giảm nhiệt, tạo điều kiện tích trữ nước ngọt trong mương vườn để sử dụng trong mùa khô. Ảnh: D.KHÁNH

Nhiều diện tích bị hạn, mặn đe dọa

Tại huyện Phụng Hiệp, qua rà soát năm nay huyện có gần 20.000ha đất sản xuất có nguy cơ bị hạn và mặn đe dọa. Chính vì thế thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.

Gần nửa tháng nay, nhận thấy thời tiết nắng nóng oi bức, lưu lượng nước trên các tuyến kênh rạch trong vùng giảm sâu, ông Nguyễn Văn Hậu, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã tranh thủ bí các đập, dùng máy bơm tích trữ nước ngọt vào đầy các mương ống để dự trữ sử dụng cho 1ha cây ăn trái của gia đình. Theo kinh nghiệm của ông Hậu, cách một vài năm xã Tân Phước Hưng lại có nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Năm rồi mặn không xuất hiện nên khả năng cao là năm nay sẽ xảy ra nên gia đình đã chủ động cho các biện pháp phòng chống.

Hệ thống cống ngăn mặn tuyến đê bao Ô Môn - Xà No và Long Mỹ - Vị Thanh sẵn sàng vận hành đóng lại khi có nước mặn xâm nhập. Ảnh: T.TRÚC

Ông Hậu cho biết thêm: “Hai năm trước, nước mặn xuất hiện trên tuyến kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, dù chưa lấn sâu vào nội đồng nhưng bà con cũng thiệt hại khá nhiều. Năm nay nghe dự báo mùa khô sẽ kéo dài, nước mặn sẽ xuất hiện nên gia đình đã gia cố lại bờ bao để trữ nước ngọt tưới cho vườn cây. Bởi nếu để nước mặn xâm nhập sẽ làm hư cây, rụng lá, rụng trái, cho nên mình phải chuẩn bị trước cho bảo đảm. Cách làm là đắp các đập cho cao lên, các bọng thì làm nắp trong và nắp ngoài đảm bảo không cho nước vô ra được”.

Còn anh Lê Bảo Quốc, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mấy ngày gần đây mực nước trên sông rút khá mạnh nên bà con trong xã đã tranh thủ bí bọng để dự trữ nước trong các mương. Bởi lúa ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ phải cần lượng nước nhất định để phát triển, thiếu nước sẽ tạo điều kiện cho các loại dịch hại tấn công làm cho lúa giảm năng suất”.

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn và mặn xâm nhập, năm 2023 từ nguồn thủy lợi phí tỉnh phân bổ, huyện Phụng Hiệp sẽ đầu tư khoảng 16 tỉ đồng để xây dựng 4 trạm bơm, 4 cống hở, nạo vét 2 tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn và sửa chữa nâng cấp các trạm bơm, cống hở ở các địa bàn: Xã Phương Phú, Phương Bình, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng và thị trấn Búng Tàu. Các công trình được đầu tư trong năm nay kết hợp với các công trình được đầu tư trước đó sẽ khép kín khoảng 46,5% diện tích đất sản xuất của huyện.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Các công trình thủy lợi được đầu tư trong những năm gần đây sẽ đảm bảo cho khoảng 22.000ha đất sản xuất của huyện. Số còn lại khoảng 20.000ha đất sản xuất khả năng sẽ bị hạn và mặn đe dọa nếu mùa khô diễn ra cực đoan. Chính vì thế, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn thực hiện nạo vét thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó vận động người dân chủ động gia cố các bờ bao cá thể để tích trữ nước ngọt vượt qua mùa khô năm nay.

Bên cạnh các giải pháp về công trình thì thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã củng cố lại Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, phân công cán bộ trực và quan trắc nồng độ mặn 3 ngày/lần tại các điểm cố định. Thường xuyên theo dõi App cảnh giác mặn của tỉnh để nắm bắt tình hình nước mặn tại các cống trên địa bàn tỉnh để dự báo ranh mặn từ xa, thông báo kịp thời cho nông dân khi có mặn xâm nhập vào địa bàn để chủ động lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Tăng cường phòng chống

Hiện nay, mặc dù nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đối với khu vực sản xuất trong đê bao chưa đáng lo ngại, nhưng theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh thì tình hình xâm nhập mặn từ nay đến cuối tháng 2 này sẽ diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống xâm nhập mặn có hiệu quả vào từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh vận hành các cống tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, Ô Môn - Xà No, ngành chức năng cũng sẽ tính toán đến việc đắp đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh đạt mức 1,5‰ để đảm bảo nước mặn không làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Để ứng phó với mùa khô năm nay, thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời có công văn gửi các địa phương dọc các tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp tổ chức kiểm tra lại các cống đập, vận động người dân có giải pháp tích trữ nước ngọt trong các ao mương cá thể để phục vụ sản xuất. Song song đó, cử cán bộ quan trắc nồng độ mặn tại các khu vực nhất định, khi nồng độ mặn vượt ngưỡng cho phép sẽ tiến hành đóng các cống ngăn mặn để bảo vệ tốt diện tích đất sản xuất.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm nhanh các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm ở tháng 12-2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2-2023. Cụ thể, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo tháng 2-2023, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm trên dưới 10cm.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Các vùng ven sông Tiền và sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường từ ngày 19 đến 23-2-2023. Tháng 2 mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 2 mặn vào sâu 45-60km; từ tháng 3 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên. Từ ngày 16 đến 23-2-2023, mặn có xu thế cao hơn so với tuần trước, các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và tranh thủ tích ngọt khi có thể đề phòng mặn còn tiếp tục dâng cao hơn ở các kỳ triều cường giai đoạn từ ngày 5 đến 9-3 và 21 đến 25-3.

Theo ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh Hậu Giang từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 2-2023 ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 3-5%, cao hơn trung bình nhiều năm từ 6-12% và giảm so đầu tháng 2 từ 3-5%. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới huyện Long Mỹ và xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, do đó khả năng cung cấp nước mặt cho sinh hoạt, công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ thiếu nhẹ ở huyện Long Mỹ từ 1,5-3,5% và thành phố Vị Thanh từ 0,5-1,5%.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>