Tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai

02/09/2021 | 15:33 GMT+7

(HGO) - Để chủ động ứng phó tình hình thiên tai, mưa lũ cực đoan nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, ngày 2-9, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường phối hợp các các sở ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); chủ động xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh các phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp xảy ra sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng do triều cường, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cấp huyện tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định công tác trực ban, họp giao ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và người dân kịp thời ứng phó với thiên tai.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát, có phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu. Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và người dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng quản lý nhà nước  được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án vận hành bảo đảm an toàn đối với công trình phòng, chống thiên tai; có kế hoạch đảm bảo sản xuất phù hợp với diễn biến bão, lũ, mưa lớn, giông lốc. Phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo dài. Sở Y tế phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương. Các sở, ban, ngành tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.

UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương nhất là phương án di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay; chủ động kiểm tra các đê, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

H.T

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>