Quyết liệt ứng phó hạn, mặn

11/04/2023 | 09:00 GMT+7

Hạn, mặn trong mùa khô năm nay đang diễn biến khá gay gắt, khi nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về thấp làm cho tình hình xâm nhập mặn có nguy cơ lấn sâu hơn.

Kiểm tra các thiết bị vận hành để sẵn sàng đóng cống khi có mặn xâm nhập.

Nguồn nước về đồng bằng thấp

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 29-3 đến ngày 5-4-2023 mưa xuất hiện nhiều nơi trên ĐBSCL với vũ lượng trung bình 15-25mm, khu vực Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có mưa rất to đến 125mm. Dự báo tuần này vùng ĐBSCL có khả năng mưa sẽ xuất hiện rải rác ở vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ven biển với vũ lượng khoảng 10-15mm, có nơi trên 25mm.

Theo dự báo cập nhật ngày 20-3 của IRI, ENSO ở trạng thái trung tính trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 5 đến tháng 7-2023, khả năng xảy ra El Nino ở mức thấp trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 (21%), tăng lên 49% vào tháng 5 đến tháng 7 và sau đó có khả năng cao từ tháng 6 đến tháng 8 trở đi với xác suất khoảng 60-67% cơ hội.

Hệ thống cống ngăn mặn dọc đê bao Long Mỹ - Vị Thanh được đóng lại khi nồng độ mặn ngoài sông vượt 1,5‰.

Từ ngày 30-3 đến 6-4-2023 xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu dao động phổ biến trong khoảng từ 650 m3/s đến 662 m3/s, là tuần thứ 2 hồ xả nước thấp liên tục. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết còn 9,7 tỉ m3, tương đương với 40,8% tổng dung tích hữu ích. Các hồ chứa trên lưu vực còn 36,3% tổng dung tích hữu ích, tương đương với tổng dung tích nước có thể điều tiết cho mùa kiệt năm 2023 vào khoảng 23,8 tỉ m3. Dòng chảy kiệt về đồng bằng phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn.

Dòng chảy về đồng bằng thấp ở các tháng đầu mùa kiệt làm mặn đã lên sớm từ tháng 12-2022, tăng cao trong tháng 2 và tháng 3-2023; tháng 4 xu thế mặn giảm trên các cửa sông Cửu Long, cụ thể như: vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ nguồn nước đảm bảo, ngoại trừ các vùng núi cao thuộc Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Tháng 4 mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 40-55km; gió Chướng mạnh có thể làm mặn vào sâu 45-60km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, tháng 4 mặn vào sâu 40-60km; tháng 4 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên. Từ nay đến 13-4-2023, mặn trồi lên thụt xuống theo đỉnh triều, tuy nhiên chỉ dao động quanh đỉnh triều đạt được tuần qua. Các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm ở vùng khó khăn về nước do thời tiết nắng nóng và mặn còn duy trì cao vào các kỳ triều cường trong tháng 4.

Tăng cường ứng phó

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, tiềm năng nguồn nước về đồng bằng mùa kiệt 2023 được xem là có thuận lợi. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào vận hành thủy điện trên lưu vực, mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào do vận hành thủy điện gây ra. Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng chống hạn, mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Vùng thượng ĐBSCL nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ĐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng… Đồng thời, cần đề phòng mặn còn cao trở lại các kỳ triều cường từ ngày 18 đến 22-4-2023 và 2 đến 7-5-2023. Đáng chú ý, việc giảm xả nước từ các thủy điện ở thượng nguồn thuộc Trung Quốc ở mức thấp, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL giai đoạn cuối tháng 4 từ 15-4 đến tuần đầu tháng 5.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2023 mặn có diễn biến hết sức phức tạp so với năm 2022. Mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo hướng từ Biển Đông theo sông Hậu, mặn có thể vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Mặn xâm nhập từ Biển Đông qua các trục kênh chính địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp. Từ Biển Tây theo sông Cái Lớn và sông Nước Trong ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế huyện, thị xã, thành phố khảo sát, cập nhật số liệu diện tích bị hạn, thực hiện xây dựng các công trình chủ động chống hạn, mặn kịp thời bằng tất cả các nguồn lực, các biện pháp. Khảo sát thực địa xác định các công trình bức xúc để nạo vét kênh mương tạo nguồn và nội đồng, nâng cấp hệ thống đê bao trữ nước trong kênh nội đồng; những nơi không có công trình cống bọng sẽ đắp đập thời vụ để trữ nước khắc phục tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nông dân đối với những vùng bị hạn gay gắt.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập; kế hoạch vận hành đóng, mở hệ thống cống ngăn mặn và đập thời vụ năm 2023 trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Triển khai kế hoạch vận hành đóng, mở hệ thống cống và đập thời vụ năm 2023 đến từng phường, xã; quan trắc mặn theo hướng dẫn của Chi cục Thủy lợi. Công tác quan trắc mặn hàng ngày trên địa bàn xã Hỏa Tiến và Tân Tiến bằng hệ thống quan trắc mặn tự động và máy đo mặn cầm tay. Tổ chức kiểm tra vận hành hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn thành phố và vận động Nhân dân làm công tác thủy lợi nội đồng nhằm tích trữ nước ngọt vào kênh, mương trong mùa khô hạn. Hướng dẫn cho bà con có hướng chủ động triển khai các biện pháp cấp bách như tu bổ bờ bao; nạo vét kênh mương nội đồng; lựa chọn thời điểm thích hợp để tích nước vào kênh mương, chủ động bơm tưới tiêu phù hợp cho từng loại cây trồng trong mùa khô hạn, mặn xâm nhập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên yêu cầu chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2023. Tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn báo cáo kịp thời cho lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn, mặn. Kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân. Các địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Hè thu 2023. Xây dựng đập thời vụ, cải tiến, đập kiên cố đối với các kênh, rạch chưa có cống khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰, ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng. Có kế hoạch vận hành đóng, mở các cửa cống từ Ba Voi đến cống 8.000 thuộc tiểu Dự án Ô Môn - Xà No; đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (xã Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, phường VII thuộc thành phố Vị Thanh). Khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ phải đóng các cửa cống theo diễn biến của mặn.

Toàn tỉnh có khoảng 90.000 đến 100.000ha vụ lúa Đông xuân 2022-2023, Hè thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy, có nguy cơ hạn. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có khoảng 50.000ha đến 60.000ha lúa Đông xuân 2022-2023, Hè thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh có nguy cơ bị xâm nhập mặn.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>