Nỗ lực xử lý rác thải nông nghiệp

11/08/2022 | 04:36 GMT+7

Thực hiện đề án Hậu Giang xanh, bên cạnh triển khai nhiều giải pháp để nâng cao ý thức của người dân về việc xử lý rác thải sinh hoạt, các địa phương còn triển khai những giải pháp để xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp.

Thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ đem đi tiêu hủy. Ảnh: T.TRÚC

Canh tác 5 công vườn gồm mít và cam sành, mỗi vụ ông Đào Văn Đa, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, sử dụng hơn 1 tấn phân, thuốc BVTV để xử lý cho cây ra hoa đậu trái. Nếu trước đây sau khi sử dụng phân, thuốc BVTV, bao bì chai lọ đa phần được ông Đa bỏ ngay tại vườn thì khoảng 2 năm nay được chính quyền địa phương vận động, sau mỗi đợt sử dụng bao bì, vỏ chai đều được ông Đa thu gom về đốt.

“Ở phía sau nhà tôi có chuẩn bị cái hố tự tạo, sau khi xịt thuốc về tôi đều thu gom bao bì về đó để bỏ, đến lúc nhiều sẽ đốt chứ không bỏ ngoài vườn vì thuốc còn dư sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Chưa kể mình bỏ ở ngoài vườn rồi hàng ngày mình đi làm vườn sẽ tiếp xúc chứ không phải ai khác nên tốt nhất là thu gom về xử lý”, ông Đa cho biết.

Bao bì, thuốc BVTV sau khi sử dụng được ông Đa thu gom về đốt chưa phải là giải pháp tối ưu nhưng đó cũng là một cách làm để giảm thiểu việc ô nhiễm từ loại rác thải này. Bởi thực tế cứ bình quân 1ha sản xuất lúa thì mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 0,5-1kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, còn đối với cây rau màu và cây ăn trái thì lượng rác thải ra có thể gấp 2 lần so với trồng lúa. Với diện tích sản xuất hàng trăm ngàn héc-ta mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV qua sử dụng, nhưng chỉ có rất ít được người dân đốt hay bỏ vào các hố chứa do ngành chức năng, địa phương xây dựng, số còn lại vẫn còn thải xuống kênh mương xung quanh khu vực sản xuất.

Ông Nguyễn Hùng Nhựt, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thời gian qua địa phương cũng có phát động nơi để thu gom và tiêu hủy vỏ chai, thuốc BVTV. Trong ấp cũng xây dựng được một điểm để thu gom tập trung nhưng tôi thấy chưa đủ. Bởi tuyến dài gần 2.000m mà chỉ có một chỗ bỏ thì còn quá ít. Một số người dân ở gần điểm đó thì chấp hành tốt còn những người ở xa thì vẫn còn bỏ vương vãi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường”.

Mặt tốt của thuốc bảo vệ thực vật là mang lại cho bà con mùa màng bội thu, diệt dịch hại cho cây trồng. Tuy nhiên, tác hại của loại chất này cùng với vỏ bao bì cũng không ít, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống cũng như sức khỏe của con người. Bởi vào mùa nắng nóng, rác thải thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý đúng cách còn sót lại trong các chai, lọ, bao bì sẽ bốc lên mùi hôi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào lòng đất... gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí, thức ăn là nguyên nhân gây ra bệnh nguy hiểm cho con người. Hay trước mắt nhiều loại rác thải thuốc BVTV như là chai lọ thủy tinh, nhôm không được xử lý đúng nơi quy định dễ gây ra sát thương khi bị giẫm đạp dẫn đến nhiễm trùng rất cao.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Những chai lọ bằng thủy tinh dễ gây sát thương nếu chúng ta giẫm đạp phải, bởi đa phần thuốc BVTV là hóa chất nên dễ gây ra nhiễm trùng. Còn những bao bì không được xử lý, rơi xuống ao mương ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân còn làm chết thủy sản.

Để nâng cao ý thức cho người dân trong việc xử lý vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, thời gian qua ngoài việc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật hay các buổi sinh hoạt tổ, hội của các đoàn thể, huyện Phụng Hiệp còn tổ chức xây dựng 120 hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Hiện tại các địa phương trong huyện tiếp tục xây dựng thêm 277 hố, phấn đấu trong năm 2022 huyện Phụng Hiệp sẽ tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất là 30% khối lượng phát sinh, đến năm 2025 con số này là 100%.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thực hiện đề án Hậu Giang Xanh thì huyện Phụng Hiệp đã xây dựng kế hoạch và trong đó đặt trọng tâm của vấn đề là tập trung tuyên truyền, vận động rồi từng bước chuyển dần ý thức của người dân. Để làm sao cho người dân hiểu được và ra sức thực hiện thì đó mới là giải pháp căn cơ. Đối với rác thải từ bao bì thuốc BVTV khi người dân mang bỏ vào các hố chứa, chúng tôi sẽ có đội thu gom tập kết lại một điểm cố định, sau đó thuê công ty có chức năng mang đi tiêu hủy rác nguy hại.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thời gian qua, chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tập huấn cho nông dân về sử dụng an toàn thuốc BVTV và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cũng như lồng ghép xây dựng các mô hình sinh thái trên đồng ruộng. Mục tiêu của mô hình là vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất… do vỏ chai, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật để lại…

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>