Hậu Giang đạt nhiều dấu ấn trong gần 20 năm bảo vệ và phát triển rừng

26/05/2023 | 07:05 GMT+7

Cùng với nhiều lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang cũng có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng sau gần 20 năm kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay (2004-2023). Để có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Thân (thứ hai từ trái qua), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên đi tuần tra bảo vệ và PCCCR tại nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, hiện tình hình phát triển rừng trên địa bàn Hậu Giang như thế nào, thưa ông ?

- Là một trong những tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hậu Giang hiện có diện tích đất rừng hơn 5.183ha; trong đó diện tích có rừng của tỉnh gần 3.794ha, tăng gần 1.800ha rừng so với năm 2004 khi mới thành lập tỉnh, trong đó rừng đặc dụng 1.443ha và rừng sản xuất là 2.350ha. Cụ thể, diện tích rừng do nhà nước quản lý là 411,6ha, hộ gia đình trồng trên đất nông nghiệp là 1.869ha và tổ chức khác quản lý là 68,8ha. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trước đây đa phần được trồng lan trên vùng đất ngập nước, nhiễm phèn, ảnh hưởng mặn nên năng suất khá thấp, khoảng 50-60m3/ha, thời gian khai thác khá dài từ 7-8 năm/chu kỳ. Hiện nay, nhờ lực lượng kiểm lâm hướng dẫn mô hình trồng tràm kê liếp, áp dụng nhiều biện pháp lâm sinh từ khâu giống đến khâu chăm sóc nên năng suất rừng tràm đã tăng lên 70-80m3/ha, cá biệt có hộ trồng tràm đạt gần 100m3/ha, rút ngắn chu kỳ khai thác xuống chỉ còn 3-4 năm/chu kỳ.

Được biết, Hậu Giang có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng ĐBSCL, vậy yếu tố nào được ví như thế, thưa ông ?

- Sở dĩ, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng ĐBSCL là vì ngoài những cánh rừng (chủ yếu rừng tràm) xanh bạt ngàn trải dài với nhiều độ tuổi khác nhau, cộng với những lung bàu, đầm lầy xen kẽ thì nơi đây còn đang bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo, trong đó có thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước ngọt với những quần thể rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, nơi đây còn quy tụ nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: thực vật có lúa ma, cà na…; còn động vật có chim bạc má, cò ốc, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, động vật lưỡng cư, ếch, giun. Đây là những giá trị to lớn của tài nguyên rừng, có khả năng bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, không khí trong lành, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học.

Thưa ông, thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào ?

- Hậu Giang là tỉnh có diện rừng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, tuy nhiên trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm từ Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ rừng đặc dụng, bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình đường mòn lâm nghiệp, công trình bảo vệ rừng, nạo vét kênh mương, cải tạo lung, hỗ trợ cây trồng phân tán trong dân… để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp. Từ đó, diện tích đất rừng được giữ ổn định, diện tích rừng trồng phân tán trong dân trên địa bàn tỉnh tăng ngày càng được chú trọng về trữ lượng, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về kinh tế - xã hội, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm Hậu Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể về công tác quản lý rừng được thực hiện ra sao, thưa ông ?

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với đất rừng các loại theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp năm 2017. Bên cạnh đó là kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái theo quy chế quản lý rừng. Song song đó, tổ chức thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu khai thác rừng, trồng rừng đảm bảo đúng chủ trương của cấp thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục, thời gian quy định. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của chủ rừng, không để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng FRMS - phiên bản 4.0 - Product.QGIS của Tổng cục Lâm nghiệp để theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ số cho các đơn vị chủ rừng nhóm II (tổ chức); kiểm lâm địa bàn xã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng bản đồ số, cập nhật diễn biến rừng của chủ rừng nhóm I (hộ gia đình). Thực hiện cập nhật số liệu diễn biến rừng hàng tháng, đồng thời chỉnh lý, tổng hợp báo cáo về Tổng cục Lâm nghiệp và đều được công nhận, công bố diện tích rừng, đất rừng của tỉnh hàng năm. Theo số liệu diễn biến rừng đã được công nhận, đến cuối năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 3,1%; tăng 1,85% so với năm 2004.

Còn về công tác phát triển rừng thì được triển khai như thế nào, thưa ông ?

- Thực hiện Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hậu Giang, ngành lâm nghiệp đã xây dựng Kế hoạch hành động và triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, diện tích trồng rừng tập trung được 2.591ha (bao gồm trồng mới và trồng lại), trồng cây phân tán hơn 8,6 triệu cây (kế hoạch 3,8 triệu cây), đạt 226% so với quy hoạch; đồng thời trồng rừng gỗ lớn được 175ha; hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp lâm sinh để rút ngắn chu kỳ kinh doanh hơn 1.500ha; năng suất rừng trồng bình quân đạt từ 15-20m3/ha/năm (vào năm 2004) đã tăng lên 25-27m3/ha/năm (hiện tại). Song song đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn hỗ trợ người dân triển khai các mô hình kinh tế lâm nghiệp với các cây trồng, vật nuôi phù hợp đối với những khu vực đất vườn tạp, đất hoang hóa, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như: Mô hình “trồng dây tiêu dưới gốc tràm”; “trồng tràm úc kê liếp”; “trồng keo lá tràm kê liếp”; “trồng tràm xen cây ăn trái có múi”; “trồng tràm luân canh với khóm”,… đây là các mô hình đang có triển vọng phát triển tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Thưa ông, với điều kiện thời tiết nắng nóng ngày càng diễn ra gay gắt trong nhiều năm qua do biến đổi khí hậu khi vào mùa khô, do đó để đảm bảo giữ vững diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã triển khai những giải pháp nào ?

- Công tác bảo vệ rừng, trọng tâm là phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được ngành kiểm lâm và ngành chức năng có liên quan, cũng như các chủ rừng trong tỉnh đặc biệt quan tâm trong suốt mùa khô. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (Ban chỉ đạo) tỉnh nên hàng năm, trước khi mùa khô đến, đơn vị đều chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh về kế hoạch và phương án PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh, sau đó triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các địa phương.

Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm tỉnh còn chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh như: phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng và PCCCR ở các đơn vị chủ rừng và 15 xã có rừng trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện các công trình phòng cháy, bảo trì, khởi động các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh tổ chức huấn luyện kỹ thuật vận hành máy bơm nước với đội hình chữa cháy, thao tác kỹ năng chữa cháy rừng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng dân quân tự vệ. Tổ chức thực tập chữa cháy rừng ở các khu vực trọng điểm nhằm kiểm tra năng lực, chỉ huy, điều hành; tổ chức lực lượng ứng trực cháy rừng xuyên suốt trong mùa khô hàng năm.

Với việc chủ động và phối hợp thực hiện tốt các giải pháp trên nên từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Ông có thể chia sẻ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong thời gian tới ?

- Tiếp tục xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; đồng thời thực hiện tốt định hướng phát triển rừng bền vững; cũng như nâng cao chất lượng rừng, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, gắn bảo vệ và phát triển rừng với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó là tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để thực hiện kịp thời và hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR cho tỉnh. Chủ động phối hợp với ngành công an và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, không để xảy ra mất rừng, cháy rừng.

Ngoài ra, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>