Đề án Hậu Giang xanh phát huy hiệu quả

30/12/2022 | 08:21 GMT+7

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án Hậu Giang xanh (Đề án) đã làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, nhận thức của người dân chung tay bảo vệ môi trường được nâng lên, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sống.

Lực lượng Đoàn Thanh niên, Công an, Quân sự vớt lục bình, khai thông dòng chảy trên tuyến kênh dọc đường 3 Tháng 2 và 1 Tháng 5, phường V, thành phố Vị Thanh.

Theo UBND thành phố Vị Thanh, để thực hiện các mục tiêu của Đề án, thành phố chỉ đạo các ngành và phường, xã tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, về quản lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố và các xã, phường hàng năm đã tổ chức phát động cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, được 100% người dân tiếp cận và đồng tình hưởng ứng. Qua đó, thành phố có 21.117 hộ dự thi và có 1.068 hộ đạt giải.

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là việc mà thành phố Vị Thanh chú trọng nhất. Đồng thời, cùng với quyết tâm thực hiện nên được người dân hưởng ứng, một số cơ sở, doanh nghiệp và người dân chấp hành khá tốt về công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Đức Tài, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh, cho biết: Đến nay, khu vực đô thị trên địa bàn thành phố, hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt tỷ lệ 16,84% và khu vực nông thôn đạt tỷ lệ 41,9%. So với kết quả thực hiện từ đầu năm đến nay thành phố đã đạt chỉ tiêu do UBND tỉnh giao trong kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2022 là khu vực đô thị và nông thôn đạt từ 15% trở lên. Để đạt được kết quả này, các phường, xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn qua bản cam kết, sổ tay hướng dẫn và xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Nhờ đó, người dân đã chuyển biến nhận thức, chung tay thực hiện đề án hiệu quả.

Đến nay, thành phố Vị Thanh có 53/53 ấp, khu vực ở xã, phường đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường trong quy chế, quy ước cộng đồng và đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, việc chấp hành quy chế, quy ước cộng đồng vào bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa.

Bà Lê Thị Thùy Như, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, cho biết: Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đặc biệt là mục tiêu và ý nghĩa của Đề án Hậu Giang xanh được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương đã lồng ghép vào việc tuyên truyền, vận động người dân trong xây dựng nông thôn mới, ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và tham gia tạo cảnh quan môi trường đối với từng hộ gia đình. Số cuộc tổ chức họp tổ ở các ấp trong 2 năm là 160 cuộc với hơn 5.800 người tham dự.

Từ khi thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã ý thức được việc thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình và khu vực công cộng, hạn chế được việc thải rác bừa bãi. Trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ dân thành thị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đạt 16,5%, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 90%, đáp ứng được mục tiêu của Đề án (15% hộ gia đình ở nội ô phân loại rác và 15% lượng thải nông thôn được thu gom và xử lý).

Trong thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục thực hiện đúng theo lộ trình của đề án, duy trì và mở rộng các tổ vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án đạt từ 50% hộ dân trên địa bàn huyện được tiếp cận. Tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại hộ gia đình để đạt tỷ lệ 30% hộ dân nội ô phân loại rác và 30% lượng rác nông thôn được thu gom, xử lý.

Theo ông Trần Hoàng Liệt, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành A, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyên môn trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đạt được những hiệu quả thiết thực, nhất là hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát động ra quân các hoạt động về bảo vệ môi trường, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường cũng như việc bố trí nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Công cuộc xây dựng nông thôn mới được đông đảo cộng đồng dân cư hưởng ứng, môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Được sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện Đề án, sự tích cực đăng ký tham gia, hỗ trợ kinh phí cho tổ vệ sinh môi trường hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều mô hình mới về bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả đã góp phần tích cực làm thay đổi thói quen, nhận thức cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường.

Để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa, huyện Châu Thành A tiếp tục thành lập tổ vệ sinh môi trường cho các ấp trên địa bàn các xã, thị trấn đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục đầu tư công cho các xã, thị trấn về xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đầu tư thùng rác tạo cảnh quan môi trường tại khu vực công cộng. Đầu tư xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan môi trường đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục phát động ra quân thực hiện các hành động về bảo vệ môi trường, trồng cây xanh vào Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh và vào đợt hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, cũng như thường xuyên tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường qua nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>