Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học

25/05/2021 | 09:24 GMT+7

Để phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tuyên truyền đến người dân chung tay thực hiện.

Ngành chức năng đang thả động vật hoang dã về rừng.

Đa dạng sinh vật học

Với mục đích tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 với chủ đề đã được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) lựa chọn cho Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là “Phục hồi Hệ sinh thái”. Đây là năm được Liên Hiệp Quốc phát động cho một thập kỷ phục hồi hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”. Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 nhằm kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã có dự thảo kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Bằng những chương trình, hành động cụ thể nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. 

Theo đó, mỗi người có thể góp sức bằng những hành động đơn giản như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp. Không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại, gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh năm 2015 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì các loài quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh tập trung ở các vùng đất ngập nước và các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân trực tiếp thực hiện.

Ông Võ Minh Cảnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: Kết quả điều tra bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng ghi nhận được 350 loài thực vật bậc cao của 236 chi thuộc 89 họ trong 4 ngành chính là ngành dương xỉ (Polipoiophyta), ngành thiên tuế (Cyadophyta), ngành thông (Lycopodiophyta) và ngành hạt kín (Magnophyta).

Hệ động vật có xương sống ghi nhận được 206 loài động vật với 80 họ, 156 chi thuộc 5 lớp (cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú) của ngành động vật có xương sống (Chordata). Trong đó, có 9 loài chim quý hiếm cần được bảo vệ là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm.

Khu hệ động vật không xương sống ghi nhận được 45 loài côn trùng thuộc 7 họ, 2 bộ. Trong đó, có 4 loài chuồn chuồn xếp trong danh lục sách đỏ IUCN thế giới với mức độ LC (Least Concern). Khu hệ thủy sinh vật ghi nhận được tổng số 216 loài, trong đó có 80 loài thực vật phiêu sinh, 30 loài tảo silic bám, 64 loài động vật phiêu sinh, 13 loài động vật đáy và 29 loài tuyến trùng.

 Tại khu vực vườn chim trong Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân có 22 loài thú, 10 loài lưỡng cư, 19 loài bò sát, 75 loài chim đã về sinh sống, trú ngụ với tổng đàn khoảng 9.000 cá thể, trong đó có 3 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam là chim cổ rắn, cò nhạn và giang sen. Khu hệ động vật không xương sống ghi nhận được 38 loài, trong đó có 5 loài chuồn chuồn xếp trong sách đỏ IUCN với mức độ LC. Khu hệ thủy sinh vật có tổng số 103 loài, trong đó có 17 loài thực vật phiêu sinh, 21 loài tảo Silic bám, 30 loài động vật phiêu sinh, 18 loài động vật đáy và 17 loài tuyến trùng.

Tại Khu du lịch sinh thái Việt Úc ghi nhận được 16 loài thú, 98 loài chim, 13 loài bò sát, 7 loài lưỡng cư và 14 loài cá. Khu hệ động vật không xương sống ghi nhận được 31 loài thuộc 6 họ, 2 bộ. Trong đó, có 4 loài chuồn chuồn xếp trong danh lục sách đỏ IUCN với mức độ LC. Khu hệ thủy sinh vật ghi nhận được tổng số 120 loài, trong đó có 34 loài thực vật phiêu sinh, 19 loài tảo silic bám, 42 loài động vật phiêu sinh, 5 loài động vật đáy và 20 loài tuyến trùng. Bên cạnh đó, còn ghi nhận nhiều loài thú, bò sát, chim cá ở Khu lâm ngư thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, khu thực nghiệm Hoà An.

Quan tâm bảo tồn

Để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 3%, tăng 0,35% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Công tác trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng, các địa phương thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu lâm nghiệp. Hiện tại, toàn tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 5.003,58ha, trong đó diện tích có rừng 2.510,44ha (rừng đặc dụng 1.483ha, rừng sản xuất 1.155,39ha). Ngoài ra, còn diện tích 2.223ha tràm do các cơ quan nhà nước và người dân tự bỏ vốn trồng trên đất nông nghiệp, nâng tổng diện tích có rừng tràm trên địa bàn tỉnh là 4.733,44ha. Rừng tràm được phân bố chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: Trong suốt thời gian qua, để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sinh học, đơn vị luôn phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền người dân trong việc bảo vệ các loài động, thực vật. Theo đó, cấm săn, đánh bắt đi đôi với thả về rừng và phát triển rừng. Nhờ nhận thức của người dân được nâng cao đã góp phần cho đơn vị thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm về phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng và hoàn thành một số nhiệm vụ chuyên môn khác.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xử lý vi phạm về mua, bán động vật hoang dã, quý hiếm và đã thả về rừng đặc dụng được 23kg các loại. Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là chính. Hiện nay, chi cục thường xuyên phối hợp các ngành liên quan tuần tra, kiểm soát, truy quét, xử lý các điểm mua, bán động vật rừng trái quy định của pháp luật, sau khi xử lý tịch thu sẽ thả về rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Tiếp tục mời các hộ mua bán động vật rừng lên làm việc và viết cam kết không mua bán động vật rừng có nguồn gốc ngoài tự nhiên. Khuyến khích người dân nên mua của các cơ sở nuôi sinh sản có nguồn gốc hợp pháp.

Bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Khi có kế hoạch của tỉnh sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 ở cấp tỉnh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng để động viên những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung các nội dung mà UBND tỉnh đã đề ra để thực hiện phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>