Chủ động ứng phó triều cường

13/10/2022 | 07:31 GMT+7

Một số khu vực trũng thấp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng nước ngập cục bộ, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Sau mấy cơn mưa lớn, nước không thoát được nên phần nhà sau của bà Lê Thị An, ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, vẫn bị nước tràn vào gây ngập cục bộ.

Ngập cục bộ

Do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn và triều cường dâng cao, kết hợp mưa lớn nội vùng, một số khu vực trũng thấp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ. Sinh hoạt của người dân ở một vài khu vực bị ảnh hưởng, nhất là những nơi có nền đất thấp, ven sông, kênh rạch, những đoạn lộ giao thông gần kênh rạch có nền hạ thấp. Các giải pháp chủ động trong sản xuất được triển khai sớm nên hạn chế được tối đa ảnh hưởng, diện tích canh tác nông nghiệp vẫn đang trong vòng bảo vệ an toàn.

Mấy ngày nay, sinh hoạt thường nhật của gia đình bà Lê Thị An, ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi mưa lớn và triều cường. Thấy mực nước lên cao ngấp nghé lộ, bà An sớm đắp đất ven mé sông để ngăn nước tràn lên nhà. Tuy nhiên, sau mấy cơn mưa lớn, nước không thoát được nên phần nhà sau vẫn bị nước tràn vào gây ngập cục bộ.

Bì bõm lội nước kê cao mấy miếng ván phía sau nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều, bà An buồn bã nói: “Bây giờ phần nhà sau đã ngập tới mắt cá chân rồi. Lo trơn trợt, tôi lót ván kê cao để đi đứng. Phía trước có nhà máy xay xát lúa gạo, bậc thềm cao nên tạm thời nước chưa tràn vào được. Mong nước rút nhanh và không xuất hiện thêm những cơn mưa lớn để sinh hoạt trở lại bình thường”. 

Loay hoay dọn dẹp khoảng sân phía trước nhà, ông Lê Văn Danh, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho hay vườn tạp phía sau và khoảng sân quanh nhà cũng bị ngập mấy ngày nay. Mực nước sông dâng cao, cộng với những cơn mưa lớn nên nước không thoát được.

Ông Danh bộc bạch: “Ở đây là vùng trũng, cứ vào đợt triều cường dâng cao, nước ngập rồi thoát rất chậm. Xung quanh đoạn này, nhà nào có nền thấp là bị ngập phần sân. Chờ con nước rút xuống là tôi phải dọn ngay những chỗ ao tù nước đọng quanh nhà cho khô ráo, phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Trao đổi nhanh với phóng viên về tình hình ảnh hưởng bởi triều cường kết hợp mưa lớn trong mấy ngày qua, ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Triều cường dâng trong những ngày gần đây làm xuất hiện tình trạng ngập cục bộ ở một số khu vực  huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, tính đến trưa ngày 12-10, ghi nhận chưa có thiệt hại, chỉ tràn đê cục bộ và ảnh hưởng sinh hoạt của một số ít hộ dân.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của triều cường biển Đông thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ảnh hưởng triều cường, mưa lớn gây ngập cục bộ. Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu, lúa… đến thời kỳ thu hoạch, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, triều cường. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chủ động bảo vệ sản xuất

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát, bám sát diễn biến của đỉnh triều để kịp thời khuyến cáo và ứng phó. Mặt khác, bà con nông dân ở những vùng trũng, thấp, thường chịu tác động bởi những đợt triều cường trong năm cũng chủ động các giải pháp bảo vệ cây trồng từ sớm để hạn chế tối đa tác động của triều cường đến cây trồng.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: Mùa lũ, sợ nhất là con nước tháng 8, tháng 9 tràn bờ. Mỗi năm cứ vào mùa này là chính quyền địa phương vận động người dân dọn cỏ, khai thông đường nước, chủ động trước những đợt triều cường dâng cao. Nông dân làm vườn cũng tự chủ động bằng cách be bờ, đắp đất ven đê cho cao lên để ngăn nước tránh ngập cục bộ trong những ngày mưa nhiều. Nhà nào có điều kiện thì chủ động về máy móc, phương tiện để bơm tháo nước phòng trường hợp đỉnh triều cao, mưa lớn gây ngập cục bộ kéo dài.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, mực nước khu vực tỉnh Hậu Giang sắp đạt đỉnh triều (rằm tháng 9 âm lịch), trong 2 ngày 11 và 12-10 mực nước ít biến đổi và luôn ở mức cao. Dự báo mực nước tỉnh Hậu Giang khu vực ảnh hưởng triều biển Đông và dòng chảy trên sông Hậu sẽ đạt đỉnh vào ngày 12 và 13-10 và xuống chậm trong 3 ngày tiếp theo. Khu vực ảnh hưởng triều biển Tây tiếp tục lên chậm trong 5 ngày tiếp theo.

Mực nước cao nhất tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,71-1,73m trên báo động III từ 0,31-0,33m. Tại trạm Thủy văn Vị Thanh từ 0,80-0,85m trên báo động III từ 0,05-0,10m, gây ngập lụt sâu các địa phương như huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp ngập lụt trên diện rộng với thời gian kéo dài từ 4-6 ngày. Thời gian xuất hiện đỉnh triều cao vào sáng sớm từ 5-8 giờ và chiều tối từ 17-21 giờ.

Theo ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, mực nước trên lũ trên sông Hậu về đoạn Cần Thơ - Hậu Giang cao trùng với đợt triều cường (rằm tháng 9 âm lịch) từ ngày 10 đến 14-10, đây sẽ là một trong hai đợt xuất hiện mực nước cao nhất năm trên khu vực tỉnh Hậu Giang. Tốc độ dòng chảy trên các sông, kênh mạnh, mực nước cao sẽ tràn qua đường, đê ngăn, bờ bao và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại của người dân, vườn cây ăn trái và thủy sản.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân che chắn, vây bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra. Những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết cắm biển báo và chú ý đưa đón con nhỏ đi học trong thời gian đỉnh triều cao, ngăn cấm tắm sông các em nhỏ và học sinh. Các đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe hoạt động trên sông chạy chậm hạn chế sóng mặt tăng nguy cơ sạt lở bờ và tránh xa dòng chảy xoáy.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>