Chủ động phòng, tránh thiên tai

12/10/2021 | 08:59 GMT+7

Theo dự báo, tình hình thiên tai, mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp từ đây đến cuối mùa mưa. Các biện pháp ứng phó đang được tăng cường để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị chủ động các phương án phòng, tránh thiên tai ở các cấp độ phù hợp. (Ảnh tư liệu)

Chủ động từ sớm

Mùa mưa hàng năm, những cơn bão, áp thấp nhiệt đới đi kèm là mưa lớn, giông lốc khiến nhiều nhà dân bị sập, tốc mái. Phần lớn, rơi vào những căn nhà bán kiên cố hay những căn nhà nằm ở khu vực trống trải, xung quanh không có cây cao chắn gió. Các huyện, thị xã, thành phố đã tăng tần suất các bản tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình; đề phòng lốc và gió mạnh làm ngã, đổ; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà an toàn.

Tại huyện Phụng Hiệp, đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn có 5 căn nhà bị ảnh hưởng bởi giông lốc gây tốc mái và 1 căn nhà bị sập phần nhà sau. Để giảm thiểu thiệt hại từ đây đến cuối năm, chính quyền địa phương sớm tăng cường các bản tin tuyên truyền về thời tiết, khuyến cáo bà con chủ động biện pháp đảm bảo an toàn về nhà ở và sản xuất.

 Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thông thường hàng năm địa phương có thống kê các điểm trường, cơ quan, để chủ động rà soát làm nơi hỗ trợ người dân tránh, trú bão. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều điểm trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Trước bối cảnh trên, Ban chỉ huy huyện đã chủ động rà soát cơ sở vật chất một số điểm làm nơi tránh trú bão an toàn phòng khi có tình huống khẩn cấp cần dùng đến. Mọi biện pháp ứng phó thiên tai đã được chủ động từ sớm.

Mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh, là những hiện tượng thời tiết thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão, gây thiệt hại không nhỏ về nhà cửa và cả sản xuất của người dân. Việc chằng chống nhà cửa kịp thời được xem là một trong những giải pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại. Nhờ hiệu quả tuyên truyền thường xuyên nên người dân càng chủ động hơn trong việc đề phòng giông lốc khi bước vào những đợt mưa bão.

Anh Nguyễn Thái Bình, ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Năm nào cũng vậy, những cơn bão càng về cuối năm càng khắt nghiệt. Đề phòng mưa giông trở tay không kịp, cứ cuối mùa khô là nhà tôi thuê người cắt dọn những cây tán rộng quanh nhà cho thoáng để tránh đổ ngã. Quan trọng là mé những nhánh cây gần đường dây điện phòng mưa giông nguy hiểm. Vùng Châu Thành sạt lở thường xuyên, do vậy những cây lớn gần mé sông tôi cũng đốn hạ, tránh gió quật bật gốc, ảnh hưởng đến lộ giao thông”.

Hiện nay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện đang tăng cường tuyên truyền người dân cảnh giác với các loại hình thiên tai, giông lốc, sấm sét trong những tháng cuối năm. Trong sản xuất, mỗi hộ dân chủ động gia cố bờ bao, bờ thửa, đảm bảo tháo nước tốt trong những ngày mưa bão và các đợt triều cường. Đối với vùng sạt lở, khẩn trương gia cố những vị trí đã bị sụp lún, nguy cơ cao, cắm biển cảnh báo người dân chú ý an toàn khi lưu thông qua khu vực sạt lở.

Cảnh giác với cơn bão mạnh

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, cơn bão KOMPASU ở phía Đông đảo Ludong Philippin đang di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc. Gió mùa Tây Nam ở phía Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh. Dự báo đêm 12 đến sáng ngày 13-10 bão sẽ di chuyển vào biển Đông trở thành cơn bão số 8. Bão di chuyển hướng Tây, Tây Bắc, tốc độ di chuyển hiện nay từ 20-25km/giờ; sức gió cấp 8, cấp 9; giật cấp 11, cấp 12. Vùng ảnh hưởng trực tiếp là các tỉnh phía Bắc và Trung bộ.

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, đây là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Từ ngày 11 đến 14-10, khu vực tỉnh Hậu Giang do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ có thời tiết xấu, trời nhiều mây; sáng, trưa, chiều và đêm có xuất hiện mưa giông với lượng lớn trên diện rộng, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã khẩn trương đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp khuyến cáo người dân lưu ý phòng tránh mưa giông lớn trên diện rộng có kèm theo lốc, gió giật mạnh và sét đánh nguy hiểm. Về sản xuất nông nghiệp, có kế hoạch duy tu bờ bao, bờ thửa đảm bảo an toàn trong sản xuất lúa vụ 3.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp cần sớm chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra phương án đảm bảo an toàn các khu vực cách ly tập trung. Các địa phương chủ động phương án hướng dẫn tránh trú an toàn đối với người dân từ các tỉnh khác trở về.

“Dự báo từ đây đến cuối năm sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó sẽ có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Đồng thời có khả năng diễn biến phức tạp vào cuối năm, những cơn bão nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía Nam, trong đó có Hậu Giang. Đề nghị các cấp, các ngành cần chủ động phương án phòng, tránh thiên tai cho loại hình bão tương ứng với từng cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp”, ông Toàn cho hay.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>