Biến rác thải thành phân hữu cơ trồng rau sạch

01/12/2021 | 09:17 GMT+7

Rác thải là một trong những vấn đề khó xử lý tại nông thôn, bởi phần lớn rác thải sau sử dụng bà con thường chôn lấp hoặc thả trôi sông làm ô nhiễm nguồn nước. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua nhiều nông hộ ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Biến rác thải thành phân hữu cơ trồng rau sạch” cho hiệu quả cao.

Ông Công bón phân hữu cơ làm từ rác thải cho các luống hẹ của gia đình.

Gắn bó với nghề trồng rau sạch gần 5 năm nay, nhưng gần 1 năm trở lại đây, ông Trần Văn Công, ở ấp 1, xã Hòa An, hoàn toàn không tốn chi phí mua phân bón cho vườn rau gần 500m2 của gia đình. Thay vào đó, tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, ông đào hố ủ, đến mùa khô cho cào lên đốt thành tro kết hợp với lượng rác thải oai mục lắng đọng phía bên dưới đem bón cho vườn rau. Với cách làm này, mỗi tháng ông thu nhập gần 4 triệu đồng từ việc bán rau.

Ông Công cho biết: “Thấy rác thải hàng ngày sau sử dụng bỏ đi gây ô nhiễm mà đem cho xe rác lấy thì mình lại tốn tiền nên cách đây một năm gia đình mới áp dụng thử cách ủ phân. Ban đầu thử ủ trong mấy cái lu cũ thấy hiệu quả nên gia đình đào cái hố sau vườn lót cao su xuống để ủ. Trong thời điểm mùa nước thì đổ xuống hố thành đống. Khi mùa nắng thì phơi ráo, sau đó đốt trên mặt rồi vô bao để đó sử dụng dần. Phân hữu cơ ủ từ rác thải sau khi oai mục bón cho cây rất tốt”.

Nguồn rác thải sinh hoạt ở gia đình có hạn nên nhiều hộ còn xin cả vỏ trái cây, rau màu bỏ đi ở các chợ thu gom về rồi phân loại ra để tiến hành ủ phân. Dụng cụ ủ phân có thể làm từ các lu, khạp cũ, hoặc bà con có thể đào hố lót cao su đậy kín để tránh mưa và các vi sinh vật vào đẻ trứng. Tùy vào rác thải sinh hoạt mà phân loại ra đem ủ trong thời gian từ 1 tháng đến 6 tháng mới sử dụng.

 Ông Võ Đông Văn, ở ấp 1, xã Hòa An, cho biết: “Nếu mình sử dụng ít thì ủ từ rác thải sinh hoạt ở gia đình là đủ, còn xài nhiều thì phải xin rau cải hư về ủ để trồng rau sạch vừa cải thiện bữa ăn gia đình vừa bán cũng có thêm thu nhập. Gia đình chỉ trồng hai khoảnh chừng 50m2 rau muống nhưng mỗi lứa khoảng 24 ngày cho thu hoạch bán từ 700.000-800.000 đồng. Vừa có thu nhập vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng”.

Từ một vài hộ, đến nay ở ấp 1, xã Hòa An đã có 20 hộ thực hiện mô hình này. Việc sử dụng phân bón hữu cơ từ rác thải để bón cho cây trồng ngoài việc làm tăng năng suất, hạn chế được sâu bệnh, tăng độ tơi xốp và màu mỡ cho đất còn giảm chi phí đầu tư. Bởi chi phí để sản xuất 1 tấn phân hữu cơ từ rác thải bao gồm nguyên vật liệu, công lao động, dụng cụ… chỉ tốn khoảng 500.000 đồng, giảm rất nhiều lần so với việc sử dụng phân hóa học. Mô hình này không những đem lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Hòa An, cho biết: “Mô hình này bảo vệ môi trường rất tốt. Bởi trước đây đa phần rác thải sau khi sử dụng bà con đều đem bỏ xuống sông gây ô nhiễm, nhưng hiện nay qua vận động thì người dân đã biết phân loại ra ủ làm phân bón cho cây, giảm được chi phí rất nhiều. Bởi phân hóa học hiện nay giá tăng rất mạnh. Nếu 1.000m2 trồng rau mỗi vụ bón cả bao phân hóa học, trong khi làm cách này bà con ít tốn kém, nhưng rau vẫn tốt. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn tác động rất lớn đến ý thức của bà con, thông qua việc những hộ không trồng rau hiện nay cũng thu gom rác lại để cho những hộ sản xuất rau sạch trong xóm.

Trước kia, rác thải là những thứ bỏ đi, tuy nhiên khi nhận thức của người dân dần thay đổi thì rác thải cũng là một nguồn tài nguyên. Và cách làm của người dân ở xã Hòa An đã cho thấy, thay vì bị chôn lấp, rác thải có thể được tái sinh trở thành nguồn phân bón hiệu quả cây trồng, vừa an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: DUY KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>