Quan tâm thực hiện giám sát, phản biện xã hội

14/12/2022 | 08:21 GMT+7

Trong năm nay, Mặt trận các cấp đã thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo kế hoạch đề ra. Qua đó, góp ý giúp chính quyền nhận ra các ưu điểm cũng như những mặt hạn chế, yếu kém để khắc phục trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa tổ chức.

Bà Hà Thị Mỹ Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết, trong danh mục dự thảo các kế hoạch do UBND xã xây dựng trong năm nay, Mặt trận xã chọn phản biện các dự thảo kế hoạch liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể, đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn xã.

Hội nghị ghi nhận 8 ý kiến góp ý. Trong đó, đề nghị bổ sung thêm giải pháp trong công tác giảm nghèo; nêu cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa các ngành của hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương... Các ý kiến góp ý đã được đơn vị soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và bổ sung vào dự thảo kế hoạch.

Ngoài ra, Mặt trận xã Lương Nghĩa còn phản biện dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp và kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022. “Thông qua những ý kiến góp ý, đề xuất thiết thực tại các cuộc phản biện giúp chính quyền địa phương hoạch định, thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Mỹ Anh chia sẻ.

Trong năm nay, Mặt trận cấp xã trên địa bàn huyện Long Mỹ tổ chức phản biện 19 nội dung là các dự thảo kế hoạch, đề án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho rằng, những năm trước, Mặt trận cấp xã khá lúng túng khi tổ chức phản biện xã hội. Nhận thấy hạn chế này nên huyện tích cực “cầm tay chỉ việc”. Khi huyện tổ chức hội nghị phản biện, thường mời cán bộ Mặt trận xã, thị trấn tham dự để họ học hỏi về kinh nghiệm, cách thức tổ chức.

Nhờ vậy đến nay, Mặt trận xã, thị trấn đã nắm vững và tự tin thực hiện phản biện xã hội. Cùng với phản biện xã hội, hoạt động giám sát cũng được Mặt trận cấp xã trên địa bàn huyện Long Mỹ quan tâm thực hiện. Trong năm, các đơn vị tổ chức giám sát 9 cuộc, có 27 ý kiến, kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan. Ngoài chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận huyện còn thể hiện sự “nêu gương” khi tổ chức phản biện xã hội được 6 nội dung bằng hình thức tổ chức hội nghị phản biện và gửi văn bản góp ý.

Về giám sát, Mặt trận huyện tổ chức giám sát 3 cuộc về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến kinh phí hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, thị trấn; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại xã Thuận Hòa và xã Vĩnh Thuận Đông; việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện 16 nội dung xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Viễn A.

Không riêng huyện Long Mỹ, Mặt trận các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo kế hoạch đề ra. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong năm nay, Mặt trận các cấp tổ chức được 789 cuộc giám sát, đạt 100% kế hoạch đề ra. Các đơn vị tập trung giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp về kinh tế, xã hội.

Sau giám sát, Mặt trận các cấp ban hành văn bản kiến nghị và được các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo trả lời; đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn điều chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý. Về hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận các cấp thực hiện 119 cuộc, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó cấp tỉnh 2 cuộc, cấp huyện 25 cuộc và cấp xã 92 cuộc.

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các tổ chức. Từ đó, kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>