Phát huy vai trò của Mặt trận trong lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

28/03/2023 | 19:45 GMT+7

Lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. Trong nhiệm vụ này, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện tốt vai trò tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật.

Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 203 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Căn cứ kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Mặt trận các huyện, thị, thành đã xây dựng kế hoạch và đồng loạt tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân.         

Việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản và tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Theo kết quả tổng hợp, cơ quan, tổ chức trực thuộc trong toàn tỉnh đã tổ chức 89 cuộc hội nghị, hội thảo, trong đó cấp tỉnh 6 cuộc, cấp huyện 8 cuộc và cấp xã 75 cuộc, ghi nhận được 1.521 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết, Mặt trận huyện ban hành Kế hoạch số 136 để cụ thể hóa Kế hoạch số 203 của Mặt trận tỉnh. Vào đầu tháng 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho gần 70 đại biểu là thành viên MTTQ, các phòng, ban, ngành huyện.

Hội nghị ghi nhận 13 ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó các ý kiến chủ yếu tập trung góp ý đối với nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính giá đất; về chế độ quản lý sử dụng đất; phân cấp giám sát, kiểm soát quyền lực và quy định về hộ gia đình sử dụng đất… Đặc biệt, nhiều ý kiến đại biểu cũng quan tâm đến các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân từ bằng đến hơn nơi ở cũ hay không.

Sau hội nghị của Mặt trận huyện, Mặt trận các xã, thị trấn đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thành phần được lấy ý kiến là ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận các ấp, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân. Kết quả, Mặt trận cấp huyện và cấp xã đã tổ chức 9 hội nghị; đồng thời tổ chức 50 cuộc lấy ý kiến đến 50 ấp trên địa bàn huyện với 1.650 lượt người tham dự. Qua đó, tiếp nhận được trên 286 ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Kim Hân đánh giá: “Nhìn chung, việc tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc; hầu hết các ý kiến góp ý đều đi vào trọng tâm, trọng điểm, phản ánh đúng với tình hình thực tế tại địa phương. Trong quá trình này có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nội dung, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A cũng đã triển khai rộng rãi việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ huyện đến xã, ấp.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A, trong quá trình thực hiện, Mặt trận các cấp trên địa bàn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp, thông qua các cuộc họp lệ, hệ thống loa đài truyền thanh, các nhóm zalo của Mặt trận. Qua đó để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nắm thông tin và tích cực đóng góp ý kiến.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A đã tiến hành tổng hợp một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Theo kết quả tổng hợp, cơ quan, tổ chức trực thuộc trong huyện đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, qua đó ghi nhận được 447 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Theo tổng hợp toàn tỉnh của hệ thống Mặt trận, các ý kiến đóng góp dự thảo luật tập trung vào các nhóm nội dung như: thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó huy động được trí tuệ, quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo luật này.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>