Nỗ lực thực hiện phản biện xã hội

09/02/2023 | 05:28 GMT+7

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác phản biện xã hội, qua đó góp ý giúp chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Phước tổ chức Hội nghị phản biện góp ý dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND xã.

Trong năm nay, UBND huyện Châu Thành xây dựng dự thảo kế hoạch xây dựng xã Đông Phước A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự thảo kế hoạch đề ra mục tiêu tập trung nâng chất 19 tiêu chí xã nông thôn mới và triển khai, thực hiện 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; đảm bảo cuối năm 2023, xã Đông Phước A được công nhận danh hiệu nông thôn mới nâng cao.

Trong quá trình thực hiện phải quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự thụ hưởng của người dân; nêu cao trách nhiệm của các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; phân định rõ trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân trong thực hiện...

Để đảm bảo kế hoạch được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao, vào đầu tháng 1 năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức hội nghị phản biện văn bản này, qua đó ghi nhận 7 ý kiến góp ý. Cụ thể, đại biểu cho rằng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Đông Phước A cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường.

Mặt khác, cần đưa vào kế hoạch việc đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 2; quan tâm phối hợp với ngành chức năng có liên quan đầu tư cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng… Các ý kiến phản biện đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và bổ sung vào dự thảo kế hoạch.

Riêng trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thực hiện được 3 hội nghị phản biện dự thảo các đề án, kế hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đó là phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng công an trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2027”.

Phản biện dự thảo Đề án phát triển du lịch huyện Châu Thành đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 213 của UBND tỉnh và Chương trình số 93 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Một cuộc phản biện xã hội được đánh giá là chất lượng, hiệu quả khi có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng phù hợp với điều kiện thực tế. Nhận thức được điều đó nên khi tổ chức phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cố gắng mời lãnh đạo ngành chức năng huyện, các đoàn thể, thường trực UBND các xã, thị trấn. Đồng thời, gửi tài liệu trước 7 ngày để đại biểu chủ động nghiên cứu.

Nhờ đó mà mỗi cuộc phản biện do Mặt trận huyện tổ chức thường nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết, có tính lý luận và thực tiễn cao, phù hợp với tình hình thực hiện của huyện. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho rằng, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền là hai yếu tố rất quan trọng giúp Mặt trận huyện triển khai thực hiện tốt công tác phản biện xã hội thời gian qua.

“Muốn có được hai yếu tố đó thì bản thân chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc phản biện xã hội. Do đó, khi xác định sẽ phản biện nội dung nào đó thì chúng tôi cố gắng tổ chức thật bài bản, chu đáo, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Có như vậy mới chiếm được niềm tin, sự ủng hộ của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Đáng chú ý là công tác phản biện xã hội cũng được Mặt trận cấp cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành quan tâm thực hiện. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận, bởi để tổ chức được một cuộc phản biện xã hội thì không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nguồn lực về con người, kinh phí. Đơn cử vào đầu tháng 1 năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Phước tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND xã.

Qua đó ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của đại biểu. Chẳng hạn như, họ cho rằng chỉ tiêu tỷ lệ thu gom xử lý rác thải đạt 92% là khá cao, đề nghị điều chỉnh giảm xuống 85-90%; đề nghị xã quan tâm xây dựng, sửa chữa các tuyến lộ giao thông trên địa bàn…

“Chúng tôi chọn phản biện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND xã, vì kế hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của địa phương trong năm nay. Thông qua phản biện, chúng tôi đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của xã đạt kết quả cao”, ông Cao Văn Thơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Phước, cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thông tin thêm, năm 2022, Mặt trận huyện giao chỉ tiêu cho mỗi xã, thị trấn thực hiện 1 cuộc phản biện xã hội. Đáng mừng là đến cuối năm, các địa phương đều hoàn thành chỉ tiêu này, thậm chí có đơn vị còn thực hiện được 2 cuộc. Trong năm nay, Mặt trận huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn thực hiện ít nhất 2 cuộc phản biện, đồng thời đưa chỉ tiêu này vào tiêu chí thi đua. Qua đó, nhằm nâng dần về số lượng cũng như chất lượng thực hiện công tác phản biện xã hội của Mặt trận ở cơ sở.

Cùng với phản biện xã hội, công tác giám sát cũng được Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành quan tâm thực hiện trong năm 2022. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc 2 cấp trong huyện chủ trì giám sát 15 cuộc, trong đó cấp huyện 4 cuộc và cấp xã 11 cuộc.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>