Mặt trận tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh

20/01/2023 | 14:15 GMT+7

Hậu Giang đạt được bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực trong năm 2022. Trong thành quả ấy phải kể đến vai trò, sự đóng góp quan trọng của hệ thống Mặt trận trong tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với đơn vị tài trợ tổ chức bàn giao nhà đại đoàn kết cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang trước thềm Xuân Quý Mão 2023, ông Trần Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, với tinh thần quyết tâm chính trị cao, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng, trong năm 2022, MTTQ các cấp đã thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Trong năm qua, công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Mặt trận các cấp triển khai đạt kết quả như thế nào, thưa ông ?

- MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động kết hợp với triển khai các đề án, nghị quyết, chương trình của cấp ủy, chính quyền cùng cấp, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Trọng tâm là tuyên truyền Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Hình thức tuyên truyền được Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện linh hoạt, hiệu quả thông qua hội nghị tuyên truyền theo phương châm “hình thức tập trung, nội dung thiết thực”, trên các trang thông tin điện tử, nhóm zalo, facebook, phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo, đài… Kết quả, đã tuyên truyền được 12.657 cuộc, có 630.278 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham dự.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò người tiêu biểu, uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cũng được Mặt trận và các tổ chức thành viên trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Đặc biệt là tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, tập trung vào các nhóm đối tượng như: cán bộ Mặt trận, đoàn thể ấp, khu vực; chức sắc, chức việc và người có uy tín trong đồng bào tôn giáo, dân tộc; kiều bào và thân nhân kiều bào; các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau...

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt kết quả như thế nào, thưa ông ?

- Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tập trung nâng chất đối với các xã đã công nhận nông thôn mới; phối hợp thực hiện các tiêu chí và việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với xã nông thôn mới nâng cao; triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm cụ thể hóa thực hiện Đề án Hậu Giang xanh.

Năm 2022, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh vận động quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh phúc lợi xã hội. Kết quả, trong năm nay, các cấp Mặt trận và tổ chức thành viên vận động được hơn 198 tỉ đồng, trong đó quỹ “Vì người nghèo” được hơn 66 tỉ đồng, Quỹ an sinh phúc lợi xã hội gần 132 tỉ đồng. Ngoài ra, Mặt trận các cấp vận động hỗ trợ xây dựng và bàn giao 484 căn nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 14 tỉ đồng; sửa chữa trên 14 căn, trị giá trên 240 triệu đồng.

Việc chăm lo đời sống người dân được Mặt trận các cấp quan tâm thực hiện. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hiệp thương với các tổ chức thành viên về công tác giảm nghèo trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả, xây dựng, nhân rộng 71 mô hình hỗ trợ sinh kế cho gần 2.449 hộ nghèo, tổng kinh phí thực hiện gần 22 tỉ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947  -  27/7/2022), ngoài các phần quà do ngân sách cấp theo quy định, Mặt trận các cấp còn phối hợp vận động trao tặng 9.919 phần quà trị giá hơn 3,7 tỉ đồng; phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh trị giá trên 339 triệu đồng. Ngoài ra, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vận động trao tặng 3 tỉ đồng vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh và thăm hỏi, tặng 200 phần quà cho gia đình chính sách trị giá 400 triệu đồng.

Ngoài ra, nhân dịp khai giảng năm học mới, Mặt trận các cấp phối hợp vận động hỗ trợ hơn 1.833 suất học bổng, 575 xe đạp, 265.570 quyển tập, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học, tổng trị giá hơn 4,3 tỉ đồng. Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 6 chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, qua đó hỗ trợ số tiền 180 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Xin ông cho biết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện đạt kết quả ra sao ?

- Chúng tôi tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 58 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Trong đó, tập trung nhân rộng các mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 “Điểm bán hàng Việt” chất lượng cao quy mô lớn tại 2 chợ huyện, mỗi điểm vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng; 31 điểm tại các chợ xã tham gia mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” do Mặt trận phát động.

Thưa ông, Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm 2023 ?

- Với phương châm hành động “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, năm 2023, Mặt trận các cấp cùng các tổ chức thành viên tăng cường thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; Chương trình số 123 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền, vận động, phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ quan tâm nắm chắc và phản ánh kịp thời tình hình Nhân dân, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, qua đó để cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề ngay khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc và phát huy vai trò chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Song song đó, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tích cực nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả của các tổ chức thành viên trong công tác giúp đỡ người dân giảm nghèo bền vững. Tăng cường hoạt động giám sát về thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong sản xuất, tiêu dùng; tổ chức nhân rộng các mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”; kịp thời biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, tăng cường, đổi mới các hoạt động giám sát, phản biện xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Tham mưu, phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, nhất là ở cơ sở, qua đó kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm thiểu những bức xúc kéo dài trong Nhân dân.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2022 từng bước đi vào chiều sâu, đã phát huy sự tham gia của quần chúng nhân dân.

Kết quả, về công tác giám sát, Mặt trận các cấp chủ trì giám sát 197 nội dung (cấp tỉnh có 5 nội dung, cấp huyện 30 nội dung và cấp xã 162 nội dung); đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giám sát 256 nội dung. Về công tác phản biện xã hội, Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức phản biện 118 nội dung (cấp tỉnh 2 nội dung, cấp huyện 24 nội dung và cấp xã 92 nội dung.           

 

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>