Kinh nghiệm tổ chức phản biện xã hội
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ đã phản biện xã hội được 5 nội dung, trở thành điểm sáng của tỉnh. Đâu là yếu tố giúp đơn vị này đạt kết quả như vậy ?
Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa tổ chức.
Một cuộc phản biện xã hội được đánh giá là chất lượng, hiệu quả khi có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng phù hợp với điều kiện thực tế. Nhận thức được điều đó nên khi tổ phản biện xã hội, Mặt trận huyện Long Mỹ cố gắng mời lãnh đạo ngành chức năng huyện, các đoàn thể, cán bộ về hưu hiểu biết sâu về nội dung phản biện, thường trực UBND các xã, thị trấn; đồng thời gửi tài liệu từ sớm để đại biểu chủ động nghiên cứu. Nhờ đó mà mỗi cuộc phản biện do Mặt trận huyện tổ chức thường nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết, có tính lý luận và thực tiễn cao, phù hợp với tình hình thực hiện của huyện.
Đơn cử như khi phản biện dự thảo kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch huyện Long Mỹ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Mặt trận huyện mời ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các phòng, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội huyện và thường trực UBND các xã, thị trấn tham gia phản biện.
Đóng góp ý kiến phản biện, ông Lê Minh Đang đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cụm từ “giải phóng mặt bằng” bằng cụm từ “bồi thường, thu hồi, hỗ trợ, tái định cư” để có sự thống nhất và đảm bảo đúng theo văn bản quy phạm pháp luật. Ông còn đề nghị cơ quan soạn thảo nên có phụ lục cụ thể các dự án, công trình thực hiện ở đâu, vị trí nào, khu vực nào để việc triển khai thực hiện được rõ ràng hơn…
Nêu ý kiến về phát triển nông nghiệp, bà Hồ Thị Mỹ Thôn, Phó Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Long Mỹ, cho rằng cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát huy hiệu quả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Còn ông Lê Minh Thật, Trưởng Ban Tư vấn - Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ thì cho rằng việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, của huyện. Do đó, ông đề nghị việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện cần được cụ thể hóa bằng từng kế hoạch để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn.
Cụ thể, về công nghiệp, đô thị nên giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện; về nông nghiệp giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; về du lịch giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin…
Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết: “Mỗi cuộc phản biện do chúng tôi tổ chức thường nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu, góp phần hiến kế xây dựng hoàn thiện các chính sách của chính quyền địa phương đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”.
Cũng theo bà Hân, công tác phản biện xã hội của Mặt trận huyện những năm trước gặp nhiều khó khăn khi một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò thực hiện phản biện xã hội của tổ chức Mặt trận nên chưa tích cực phối hợp. Hiện tại, họ chủ động phối hợp để Mặt trận tổ chức phản biện các dự thảo đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vì họ thấy có sự phản biện của Mặt trận sẽ giúp chất lượng xây dựng các đề án, kế hoạch đạt cao hơn.
Bà Hân đúc kết: “Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền là hai yếu tố rất quan trọng giúp Mặt trận huyện triển khai thực hiện tốt công tác phản biện xã hội thời gian qua. Muốn có được hai yếu tố này thì bản thân chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc phản biện xã hội. Do đó, khi xác định sẽ phản biện nội dung nào đó thì chúng tôi cố gắng tổ chức thật bài bản, chu đáo, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Có như vậy mới chiếm được niềm tin, sự ủng hộ của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền”.
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Mỹ đều có tổ chức phản biện xã hội. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận, bởi để tổ chức được một cuộc phản biện xã hội thì không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nguồn lực về con người, kinh phí.
Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn xã.
Dự thảo kế hoạch đề ra mục tiêu chung trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã năm 2022 là tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, đề ra một số mục tiêu cụ thể như năm 2022 đăng ký thoát nghèo ít nhất 105 hộ.
Hội nghị ghi nhận 8 ý kiến góp ý. Trong đó có đề nghị bổ sung thêm giải pháp trong công tác giảm nghèo; nêu cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa các ngành của hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương... Các ý kiến góp ý đã được đơn vị soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và bổ sung vào dự thảo kế hoạch.
Bà Hà Thị Mỹ Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa, cho biết: “Trong danh mục dự thảo các kế hoạch do UBND xã xây dựng trong năm nay, chúng tôi chọn phản biện Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, vì công tác này có tác động đến việc nâng cao đời sống người dân. Thông qua phản biện, chúng tôi đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm giúp công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả hơn. Dự kiến, trong tháng 6 tới đây, chúng tôi sẽ phản biện dự thảo kế hoạch của xã để thực hiện Đề án Hậu Giang xanh”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết thêm, những năm trước, Mặt trận cấp xã khá lúng túng khi tổ chức phản biện xã hội. Nhận thấy hạn chế này nên Mặt trận huyện đã tích cực “cầm tay chỉ việc”; khi huyện tổ chức hội nghị phản biện thì thường mời cán bộ Mặt trận xã, thị trấn tham dự để họ học hỏi về kinh nghiệm, cách thức tổ chức. Nhờ vậy đến nay, Mặt trận xã, thị trấn đã nắm vững và tự tin thực hiện phản biện xã hội.
Có thể thấy, sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động, quyết tâm của “người trong cuộc” là hai yếu tố giúp cho Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ thực hiện hiệu quả công tác phản biện xã hội. Các địa phương khác có thể tham khảo về kinh nghiệm, cách làm, từ đó áp dụng phù hợp vào việc thực hiện công tác này trong thời gian tới.
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN
- Tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận cơ sở, ban thanh tra nhân dân
- Tiếp tục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
- Bồi dưỡng công tác Mặt trận cơ sở
- Nữ sinh lớp 7 bị bạn cùng trường đánh tới tấp bằng nón bảo hiểm ngoài công viên, đau đầu phải nhập viện
- Khá góp nhiều, nghèo góp ít vì đồng bào
- Giao xe cho con, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật
- Hungary đe dọa sẽ kiện EC: Căng thẳng leo thang
- Điểm tin sáng 18-9: Đã phân bổ 1.035 tỉ đồng từ tiền ủng hộ đến các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng bởi bão lũ
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Gần 1.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tầm soát bệnh phong - da liễu
- Trao quyết định quân hàm sĩ quan năm 2024
- Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hậu Giang tham quan vườn măng cụt trăm tuổi
- Giận quá mất khôn…
- Từ ngày 1-7: VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính
- Diễn tập thành công Chiến đấu xã Hòa An
- Vượt nắng, thắng mưa nối dài cao tốc
- Người thợ mộc khiếm khuyết không đầu hàng số phận
- Vùng mặn đổi đời
- Hân hoan mừng khai giảng !
- Quan tâm tạo cảnh quan môi trường
- Trị “căn bệnh” mua bán lấn chiếm
- Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, động viên, tặng quà cho kỹ sư, công nhân thi công cao tốc