Các tôn giáo đoàn kết xây dựng Hậu Giang phát triển

01/11/2022 | 07:47 GMT+7

Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Nguyễn Văn Thanh (ảnh), Trưởng Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm tra công tác tôn giáo và khảo sát hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi để ghi nhận ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh về kết quả thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền ở Hậu Giang rất quan tâm thực hiện công tác tôn giáo. Qua làm việc và ghi nhận thực tế, ông thấy tỉnh đạt được những kết quả gì nổi bật ?

- Qua làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, chúng tôi biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà tỉnh đạt được trong công tác tôn giáo, nhất là trong triển khai các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Trong đó, chúng tôi đánh giá rất cao Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát huy tốt vai trò là “ngôi nhà chung” trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường tập hợp các tôn giáo cùng với toàn dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Tôn giáo có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Tỉnh đã huy động được các nguồn lực trong tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được tổ chức đúng quy định góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Hậu Giang cũng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Các tôn giáo trên địa bàn đã cùng với toàn Đảng, toàn dân góp sức thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các trường hợp gặp khó khăn do đại dịch, ủng hộ kinh phí cho Quỹ phòng chống dịch, các trang thiết bị y tế cần thiết. Tất cả các tôn giáo đều có hình thức phù hợp như: lễ cầu nguyện, lễ cầu siêu, lễ dâng hương, thả đèn hoa đăng, thắp nến, rung chuông bày tỏ tình cảm, chia sẻ trách nhiệm với gia đình có trường hợp hy sinh, tử vong vì dịch Covid-19, thể hiện sự đoàn kết với cấp ủy, chính quyền trong việc phòng, chống, đẩy lùi đại dịch.

Nhìn chung, các tôn giáo ở Hậu Giang đang hoạt động rất bình đẳng, tự do theo quy định của pháp luật. Nguồn lực của các tôn giáo có vai trò quan trọng cùng với nguồn lực của các giai tầng trong xã hội góp phần xây dựng, thúc đẩy Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông, Hậu Giang đạt kết quả như thế nào trong việc huy động nguồn lực trong tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ?

- Chúng tôi đánh giá rất cao Hậu Giang có nhiều hoạt động thiết thực vận động tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là tỉnh có trên 30 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy thế mạnh của tôn giáo trong công tác này. Tỉnh là một trong số ít địa phương duy trì tổ chức các hội thi nhằm huy động sự đóng góp của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, nổi bật là Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh”. Thông qua hội thi đã giúp cho chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo thay đổi dần nhận thức và có đăng ký hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy mà tại nhiều khu dân cư, người dân tích cực tham gia xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, nước sạch trong sinh hoạt hoặc trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch đẹp.

Hậu Giang đã chọn 4 lĩnh vực trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để phát triển. Theo ông, tỉnh cần tập trung thực hiện biện pháp gì để huy động sự đóng góp của các tôn giáo trong thực hiện 4 lĩnh vực trụ cột ?

- Để thực hiện tốt 4 lĩnh vực trụ cột thì ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh thì cần phải huy động nguồn lực, vai trò, trách nhiệm xã hội của các tôn giáo.

Muốn phát huy vai trò của các tôn giáo thì Hậu Giang cần phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, lãnh đạo các tôn giáo. Chẳng hạn như trong phát triển công nghiệp sẽ phải thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu các vị lãnh đạo tôn giáo tham gia vận động thì quá trình thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Định hướng phát triển du lịch cũng cần đến vai trò của các tôn giáo, nhất là trong phát triển du lịch tâm linh…

Do đó, nếu chủ động phát huy ngay từ đầu vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan có liên quan thì tỉnh sẽ huy động được nguồn lực không nhỏ của các tôn giáo trong thực hiện nghị quyết “4 trụ cột”.

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>