Xuất khẩu lao động đã khó càng khó…

18/05/2021 | 07:35 GMT+7

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài tiếp tục gặp khó. Để thực hiện chỉ tiêu được giao, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp để thực hiện.

Do dịch bệnh phức tạp, người lao động khá phân vân khi không biết thời gian cụ thể sẽ đi xuất khẩu lao động…

Đậu phỏng vấn nhưng phải tìm việc khác mưu sinh

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian qua trung tâm cùng với các ngành liên quan, địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền về đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thường xuyên, liên tục, phong phú, đa dạng như tổ chức hội thảo, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, video tuyên truyền, tuyên truyền qua mạng xã hội… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này, nhất là tiến độ xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường nước ngoài chậm hơn so với dự kiến.

Ông Phước lý giải: Thông thường người lao động chỉ mất trên 6 tháng để học ngoại ngữ và hoàn thành các thủ tục cần thiết, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian xuất cảnh bị lùi lại, lao động vừa tiếp tục học và chờ cơ hội xuất cảnh sang nước ngoài làm việc. “Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 được đánh giá là thời điểm khó khăn với công tác đưa người lao động đi làm việc. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 8 lao động xuất cảnh thành công, đây đều là những lao động đã hoàn thành các khóa đào tạo trong năm 2020 nhưng bị lùi thời gian xuất cảnh”, ông Phước cho biết.

Dịch bệnh cũng gây tâm lý lo ngại cho người lao động, trước mắt Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các công ty xuất khẩu lao động động viên, để người lao động yên tâm, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường mở cửa trở lại người lao động sẽ có việc làm và mức lương như đã cam kết theo các đơn hàng mà nghiệp đoàn Nhật Bản đã phỏng vấn. “Nhiều người lao động đậu phỏng vấn đơn hàng của nghiệp đoàn Nhật Bản đã tìm việc khác để duy trì đời sống. Khi chờ xuất cảnh quá lâu, lao động đổi ý không đi nước ngoài làm việc như đã đăng ký ban đầu”, ông Phước bộc bạch.

Trước mắt công tác này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo dự báo, khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Để có sẵn nguồn cung lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tăng cao sau dịch, hiện nay trung tâm phối hợp chặt chẽ với các công ty xuất khẩu lao động và địa phương chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp, nhằm đưa thông tin đến người dân. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài học ngoại ngữ để có đủ điều kiện, sẵn sàng xuất cảnh khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Người lao động tiếp tục… chờ đợi

Bên hiên nhà, ông Thái Minh Đoàn, ở ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, trò chuyện cùng mấy anh chị em ở xóm. Mọi người nói với nhau rằng bây giờ dịch bệnh phức tạp, số cas nhiễm tăng lên mỗi ngày. Nói đến đây, ông Đoàn thở dài, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, người con trai của ông không thể xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Ông Đoàn chia sẻ: “Lúc trước, con trai tôi (anh Thái Châu Khôi) đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi hay có chương trình đi làm việc ở Nhật Bản nó xin nghỉ. Đầu năm 2020, Khôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký đi Nhật Bản làm việc và tham gia khóa học tiếng Nhật Bản. Sau thời gian học, dịch bệnh bùng phát, Nhật Bản không tiếp nhận lao động nước ngoài, Khôi đành nghỉ học tiếp tục đi Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, chờ khi nào tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục đăng ký đi Nhật Bản. Quả thật, nếu không do ảnh hưởng của dịch bệnh, có lẽ Khôi đã sang Nhật Bản làm việc được mấy tháng rồi”.

Để hoàn thiện thủ tục đi làm việc ở Nhật Bản, chị Phạm Thị Thủy Tiên, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang hơn 80 triệu đồng. Là trẻ mồ côi, đời sống kinh tế rất khó khăn, vì vậy, dù đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ, khi biết thông tin có chương trình đi làm việc ở Nhật Bản, chị liền đăng ký, bởi chị hy vọng sẽ có được khoản tiền kha khá để lập nghiệp cho bản thân sau khi hết thời gian làm việc theo hợp đồng về nước. Chị Tiên chia sẻ: “Khi mới lên công ty (ở Thành phố Hồ Chí Minh) học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng, để mua sắm một số đồ dùng cần thiết cá nhân. Trong thời gian học, tôi luôn cố gắng, đến nay đã phỏng vấn đậu đơn hàng thực phẩm của công ty Nhật Bản. Tôi mong sao dịch bệnh mau qua, để người lao động chúng tôi có thể xuất cảnh sang nước bạn làm việc như kế hoạch”.

Còn anh Ngô Minh Trí, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cũng trông mong từng ngày để đi Nhật Bản làm việc. Theo lịch bay ban đầu thì tháng 4-2021 vừa qua anh Trí sẽ xuất cảnh, nhưng dịch bệnh kéo dài cho nên đến nay anh vẫn chưa biết thời điểm nào mới có thể xuất cảnh. “Trong thời gian này, tôi đi làm thêm để có thu nhập, đợi khi nào đường bay mở lại, tôi sẽ tiếp tục đi Nhật Bản làm việc”, anh Trí chia sẻ.

Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Nhiều lao động đã trúng tuyển vẫn chưa thể xuất cảnh. Trong thời gian chờ đợi, người lao động có thể tiếp tục trau dồi thêm kiến thức ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc, ngoài ra sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước để trang trải cuộc sống trong thời gian chờ xuất cảnh.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 23 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, đang học ở công ty xuất khẩu lao động 79 người, trong đó, đậu phỏng vấn các đơn hàng của nghiệp đoàn Nhật Bản 62 người.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>