Thị trường lao động đang thiếu gì và cần gì ?

07/09/2022 | 08:36 GMT+7

Thị trường lao động Việt Nam có thể xem được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986 đến nay, hơn 35 năm qua đã có một bước tiến dài. Tuy nhiên, rất cần những trợ lực, thay đổi tích cực để có thể thích ứng trong tình hình mới, vượt qua những “cú sốc”, điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua...

Dù đã có sự cải thiện nhưng kỹ năng, tay nghề lao động nước ta vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ảnh minh họa

Khúc mắc trong đào tạo và tay nghề, kỹ năng của người lao động

Doanh nghiệp sử dụng lao động là mắt xích quan trọng và liên hoàn trong việc tạo nên thị trường lao động. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn với quy mô hàng chục, thậm chí sử dụng hàng trăm ngàn lao động, điều này đã định hình một thị trường lao động rõ nét cho nước nhà. Vậy các doanh nghiệp đánh giá và đang cần gì ở thị trường lao động hiện nay?

Ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, cho rằng: Rất cần nâng cao vai trò, nhận thức giáo dục nghề nghiệp và dẫn chứng Singapore năm 1960 trên 90% học sinh được định hướng học đại học, còn hiện giờ hơn 60% lại đi học nghề để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nước ta hiện nay tư tưởng phải có bằng đại học vẫn còn nặng, trong khi những ngành nghề kỹ thuật, phổ thông lại không quá cần đến trình độ này. Do đó, cần quan tâm phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và nghề nghiệp.

Cũng bàn về đào tạo lao động phù hợp nhu cầu, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải, kiến nghị hạn chế tình trạng đào tạo ra không có việc làm, muốn vậy cần có dự báo xu hướng và thị trường lao động, trung tâm đào tạo nhân tài, đào tạo theo xu hướng chuyển đổi số, cần có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Nói thêm về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, bày tỏ: Nhu cầu các doanh nghiệp với thị trường lao động là rất lớn, các trường dạy nghề nhiều nhưng không “khớp” nhu cầu này. Nên nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ lao động có tay nghề cao, tư duy đột phá, không thể cào bằng, nếu không “chất xám” sẽ đổ ra nước ngoài hoặc vào doanh nghiệp FDI.

Dù đã có những sự cải thiện, tuy nhiên lao động nước nhà từ tay nghề đến kỹ năng vẫn chưa được đánh giá cao, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhấn mạnh: Thách thức với Việt Nam là lực lượng lao động kỹ năng chưa cao, đứng 116/141 quốc gia được khảo sát, trong khi Singapore đứng thứ 19. Có đến 73% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng các vị trí quản lý. Vấn đề hiện nay là cần thiết đào tạo kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng xanh, kỹ năng chất lượng cao cho người lao động. Rất cần có sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp người lao động thích nghi nhanh với thị trường lao động.

Còn bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng: Cần chú ý kỹ năng gì ngành kinh tế cần và đào tạo gì cho người lao động, cho thị trường lao động, không đào tạo tràn lan, đào tạo không nghiên cứu thị trường lao động, sẽ tạo ra một lượng lớn lao động không có việc làm, lâu dài dẫn đến tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, nhiều hệ lụy.

Phân vân về trình độ, kỹ năng lao động tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nước ta khá khiêm tốn, lao động có tay nghề cao lại thiếu, năng suất lao động thấp, thấp hơn Trung Quốc 4 lần, Maylaysia 7 lần, tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm… tốc độ già hóa dân số đang tiến nhanh, đến năm 2030 sẽ già hóa dân số nếu không tận dụng thời cơ dân số vàng sẽ mất đi cơ hội phát triển.

Tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức lý tưởng nhưng Việt Nam vẫn là thị trường dư thừa lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin: Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986) lên 51,4 triệu người (quý II/2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014) lên 67% (6 tháng đầu năm 2022). Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, do tác động của đại dịch Covid-19, mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,3 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), nhưng thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 8 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ lao động làm các công việc dễ bị tổn thương (tự làm, làm trong khu vực phi chính thức) giảm từ 65,5% (năm 2010) xuống còn 47,1% (quý II/2022), tương ứng với tỷ lệ lao động làm trong khu vực được bảo vệ (làm công ăn lương) tăng từ 34,5% (năm 2010) lên 52,93% (quý II/2022).

Chính phủ đã có những quyết sách để ổn định thị trường lao động: Từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82.000 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp; đi lao động có hợp đồng ở ngoài nước, làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp. Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp (26,2%), là một thách thức không nhỏ đối với bối cảnh hiện nay.

Để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Thị trường lao động đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Cung - cầu lao động được hình thành và kết nối trên các nguyên lý của thị trường.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường lao động phải coi đây là hàng hóa đặc biệt, quyết định lớn đến sự phát triển của một đất nước, Thủ tướng lưu ý: Chú trọng nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...

Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư. Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa.

Song song đó, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng. Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề.

Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Cuối tuần qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Hội nghị được tổ chức sau hội nghị toàn quốc về thị trường vốn, bất động sản.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tham dự có ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, nhiều hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…

Có 20 ý kiến phát biểu từ doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Nhiều ý kiến đánh giá sâu sắc, gợi mở, mang tính xây dựng, phát triển thị trường lao động Việt Nam.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>