Thị trường lao động có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập…

20/08/2022 | 13:06 GMT+7

(HGO) - Ngày 20-8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tham dự có ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…

Tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Trung ương. Ảnh VGP/NHẬT BẮC

Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 35 năm đổi mới…

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Thị trường lao động Việt Nam có thể xem được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Bộ luật Lao động 2019 và các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tạo hàng lang pháp lý để phát triển thị trường lao động; chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng cầu nhân lực của nền kinh tế; phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp qua màng hình

Sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập

Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986) lên 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014) lên 67% (6 tháng đầu năm 2022).

Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5 – 1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, do tác động của đại dịch Covid-19, mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,3 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 8 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ lao động làm các công việc dễ bị tổn thương (tự làm, làm trong khu vực phi chính thức) giảm từ 65,5% (năm 2010) xuống còn 47,1% (quí II năm 2022), tương ứng với tỷ lệ lao động làm trong khu vực được bảo vệ (làm công ăn lương) tăng từ 34,5% (năm 2010) lên 52,93% (quý II năm 2022). Nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.

Dịp này, có 20 ý kiến phát biểu từ doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành. Nhiều ý kiến đánh giá sâu sắc, gợi mở, mang tính  xây dựng.

Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Đảng ta xác định ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “…phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế…”; “Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ…”.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...

Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời và sát với nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước.

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

HOÀNG NGUYÊN

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>