Tạo cho người dân có cái nghề

16/05/2023 | 08:20 GMT+7

Thời gian qua, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện Phụng Hiệp đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp lao động nông thôn tiếp cận đa dạng nghề, đem về nguồn thu nhập tăng thêm cho gia đình.

Nghề đan lục bình giúp bà con ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp có thêm thu nhập. Ảnh: HỒNG YẾN

Tìm đến cơ sở đan ghế nhựa gia công Thành Đạt, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, một trong những nơi đang thu hút lao động tại chỗ với công việc ổn định, thu nhập khá. Cơ sở này hiện nay có gần 50 lao động tại địa phương. Chị Nguyễn Thúy Hằng, chủ cơ sở chia sẻ: “Người đến đây nhận hàng về làm, mỗi tháng được từ 4-6 triệu đồng. Cơ sở có đơn hàng thường xuyên trong năm nên cần lượng lao động nhiều. Vì vậy, không chỉ có chị em trong khu vực xã Phương Bình mà chúng tôi còn tuyển mở rộng ở địa bàn lân cận mới đủ đáp ứng”.

Được biết, trung bình mỗi đợt, cơ sở của chị Hằng nhận đơn hàng ngàn chiếc ghế đan dây dù. Vào cao điểm, lực lượng lao động của cơ sở lên đến hơn 100 hộ nhận hàng về làm và khoảng chục lao động đan tại chỗ nên cơ sở của chị rất thu hút lao động vì cách làm hiệu quả. Chị Hằng cho biết thêm: “Mỗi năm, tôi nhận đứng lớp dạy lại cách đan dây cho huyện vài lớp. Ngoài ra, còn có đơn vị huyện Long Mỹ cũng đặt hàng để góp phần phát triển nghề này tại địa phương, giúp lao động nông thôn kiếm thêm nguồn thu ngoài việc đồng áng, tận dụng được thời gian rảnh mà có thêm thu nhập”.

Nhờ được đào tạo nghề nên bà Nguyễn Thị Hóa, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã có thêm nguồn thu nhập ổn định trung bình từ 180.000-200.000 đồng/ngày. Là lao động lâu năm của cơ sở, bà Hóa bày tỏ: “Học đan ghế cũng dễ, chỉ 1 tháng là có thể làm được tất cả các mẫu khác nhau. Ban đầu, tôi được học những cách đan cơ bản, sau đó luyện tập mẫu đơn giản trước, khi thành thục thì tự có thể nhìn mẫu phức tạp mà làm. Tham gia làm ở đây tôi rất ưng bụng, vì được dạy nghề miễn phí, có được thu nhập khá hơn làm ruộng, mà được làm việc trong mát nên công việc cũng đỡ vất vả”.

Qua rà soát, huyện Phụng Hiệp còn 3.970 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,81%. Có thể tỷ lệ còn cao so với các địa phương khác, nhưng đây là một sự nỗ lực lớn. Một trong những giải pháp giảm nghèo là tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, cùng với việc tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…

Qua đào tạo nghề đã giúp lao động nắm vững nguyên tắc cơ bản nhất nên từ đó hiệu suất công việc được nâng cao, đó chính là hiệu quả trông thấy của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà ngành chức năng huyện Phụng Hiệp thực hiện những năm qua. Đặc biệt, các nghề này giúp chị em yên tâm về nguồn thu, tận dụng được thời gian rảnh rỗi làm thêm để vượt qua khó khăn của cuộc sống.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã tạo việc làm mới cho 1.418 lao động, trong đó cung ứng ngoài tỉnh 434 lao động, giải quyết việc làm tại chỗ cho 910 lao động… Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức 21 lớp nghề cho 525 lao động đăng ký đào tạo với các nghề như đan ghế nhựa, ghế dây dù, nghề may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chăn nuôi... Đây là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, giúp người dân có việc làm tại chỗ và đáp ứng yêu cầu của các cơ sở. Từ đây, từng bước góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch của tỉnh giao là giảm 1,8%.

Bên cạnh những lớp nghề thủ công, huyện Phụng Hiệp còn mở nhiều lớp nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn như: lớp nuôi gà, lớp tập huấn các kỹ thuật tiên tiến trong trồng lúa, sạ hàng...; xây dựng 12 mô hình thoát nghèo với 184 hộ tham gia, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Ngoài ra, huyện đang đẩy mạnh thu hút lao động trẻ tuổi có trình độ phổ thông không có mong muốn học lên đại học, vì vậy huyện hướng các em theo thị trường xuất khẩu lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tăng cường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm. Các em được tuyển chọn sẽ có nguồn thu nhập từ 28 đến trên 30 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình, nhất là hộ nghèo không đất sản xuất tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân quyết tâm phấn đấu vượt nghèo. Rà soát, khảo sát nhu cầu thực tế, nắm nhu cầu của người lao động đang cần, đang thiếu để có hướng đề xuất kịp thời. Phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động; có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo đúng đối tượng, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo hiệu quả, bền vững”.

Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>