Nhọc nhằn nghề làm cỏ mướn

28/03/2022 | 08:59 GMT+7

Với người dân nông thôn, nghề làm cỏ mướn đã không mấy xa lạ mỗi khi tới mùa vụ. Dẫu có lắm nhọc nhằn nhưng nhiều chị em vẫn quyết bám trụ với nghề phần vì quen việc, phần vì đó là kế sinh nhai.

Nghề làm cỏ thuê dù vất vả nhưng giúp nhiều lao động nông thôn có đồng ra, đồng vào.

Mấy mươi năm đi làm cỏ mướn

Hơn 5 giờ sáng, bên trong căn nhà nhỏ ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bà Dương Thị Huôi tranh thủ bắc nồi cơm để ăn lót dạ rồi quay sang chuẩn bị bộ… đồ nghề để kịp giờ đi làm cỏ thuê. Đó là những việc đã thành thói quen gắn bó với bà Huôi mấy chục năm qua.

“Tôi mần cỏ thuê từ hồi 12 tuổi, ai kêu gì làm nấy, mần quanh năm suốt tháng, bây giờ 54 tuổi rồi. Nhóm của tôi có 6 chị em, tôi là người lớn nhất, lưu số điện thoại của nhau hết,  khỏi mắc công chạy tới chạy lui kiếm. Hễ có người gọi mần cỏ là liên lạc nhau rồi chia  vườn mần”, bà Huôi bộc bạch.

Theo lời bà Huôi, cách đây gần chục năm, những chị em trong nhóm của bà làm không nghỉ tay, có khi làm vườn này chưa xong, chủ vườn khác đã đặt hàng. Một số người phải… “chạy sô” rẫy mía này qua rẫy mía kia để kịp theo yêu cầu của chủ. Mấy năm nay, cây mía không còn nhiều, người ta chuyển sang trồng khóm, trồng bưởi hoặc quay lại trồng lúa, vậy là nhóm của bà Huôi lại chuyển sang làm cỏ cho những chủ vườn có nhu cầu. Mần riết thành mối quen, nhiều vườn cứ tới mùa là tìm đến nhóm của bà. Có vườn làm cỏ xong, chủ vườn hẹn 1-2 tháng sau quay lại làm tiếp, cứ như vậy mà có việc lai rai.

Tranh thủ uống ngụm nước, bà Huôi kể về công việc của mình: “Làm cỏ ở đây mấy chị em tính theo buổi. Sáng từ 7 giờ tới 10 giờ 30 phút, chiều thì từ 13 giờ tới 16 giờ phút. Tùy theo vườn lớn, nhỏ là làm cả tuần mới xong. Cực thì có cực nhưng làm riết cũng quen. Tối về uể oải, nhức mình chứ sáng thức dậy là khỏe re. Nhờ nghề mần cỏ mà dành dụm xoay xở trong nhà, cho con ăn học cũng đỡ”.

Quê gốc ở Kiên Giang theo chồng về Hậu Giang lập nghiệp, rồi tham gia nhóm làm cỏ thuê với các chị em trong nhóm, từ một người còn bỡ ngỡ với công việc, nhờ tính nhanh nhẹn, chị Nguyễn Thị Hương, ở ấp 3, xã Vị Tân, được xếp vào một trong những thành viên làm cỏ giỏi. Chị Hương kể: “Làm cỏ thuê nói chung không khó, chịu cực là được, không phải gò bó như làm công ty. Tôi vừa đi làm nhưng cũng lo cho gia đình, vừa phụ chồng chăm sóc 3 công đất nhà, rảnh thì nhận mới đi làm cỏ chung với mấy cô, mấy chị trong xóm. Mỗi ngày kiếm được 150.000 đồng, dù không thường xuyên và cố định như các công việc khác nhưng phụ giúp chi phí sinh hoạt trong gia đình”.

Làm tới hết nổi thì thôi…

Nhanh tay làm sạch cỏ ở liếp khóm còn dang dở, chị Nguyễn Thị Thu, ở ấp 1, xã Vị Tân, nhớ lại thời “hoàng kim“ của nghề, lúc chị còn là cô bé Thu tròn 20 tuổi: “Qua tết là bắt đầu vô vụ mần cỏ mướn, thường là trời nắng thì nhận nhiều vườn. Sáng đi mần, trưa về cơm nước cho chồng, con rồi chiều đi tiếp. Mần cỏ không giàu nhưng cũng đỡ. Phụ nữ ai cũng muốn đẹp nhưng tụi tôi quen rồi, nghề của mình thì phải vậy chứ sao”, chị Thu chia sẻ.

Cuộc trò chuyện nhanh chóng bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi đặt mối làm cỏ của chủ vườn. Sau khi thỏa thuận ngày hẹn, chị Thu quay sang cho các chị em trong nhóm hay rồi kể với chúng tôi về công việc sắp tới của mình: “Người ta gọi như vậy xong thì mình kêu chị em mần chung, coi vườn rồi mình lãnh. Mình nhắm được thì mình lãnh, thường làm bao nhiêu ngày tính bấy nhiêu chứ ít có khi nào lãnh mão nguyên vườn lắm”.

Khi chúng tôi hỏi, khi nhiều bà con giờ hay xịt khai hoang hay tận dụng nhân công nhà để làm cỏ thì các chị có định chuyển sang nghề khác vừa đỡ vất vả và còn được làm trong mát nữa?

Trả lời với giọng nói đượm buồn, chị Hương cho biết: “Nhóm làm chung với tôi hồi đó cả chục người, giờ nghỉ đi công ty gần nhà hết rồi, một số cô lớn tuổi thì không làm nữa, còn 2 người là tôi và 1 chị nữa thôi. Sẵn mình có vườn nhà thì làm luôn, chứ đi công ty thì phải làm đúng giờ, vườn tược bỏ không ai lo. Cô bác chủ vườn nhiều khi cũng nói ráng giúp giùm, người ta lớn tuổi làm không nổi với kiếm không có nhân công thành ra ráng đeo nghề”.

Còn chị Nguyễn Thị Thu bộc bạch: “Hồi đó, cũng tính đi làm công ty mà không được do đi từ sáng tới chiều, không có làm chuyện nhà được. Tôi cũng có học nghề đan lục bình, có bằng luôn đó nhưng mần hổng quen, thu nhập cũng không bằng làm cỏ mướn này. Mần chừng nào hết nổi thì thôi, còn sức thì cứ mần”.

Nghề làm cò thuê vẫn đang là cứu cánh cho những lao động nông thôn ít đất sản xuất, vừa đem lại thu nhập phụ giúp gia đình vừa có thể giúp nhẹ công chăm sóc cho những chủ vườn trong khâu canh tác.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>