Năng động trong sản xuất

28/02/2022 | 09:12 GMT+7

Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên huyện Châu Thành A đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả cao.

Mô hình nuôi lươn của anh Huỳnh Quấn (thứ 2 từ phải qua).

Anh Huỳnh Quấn, Phó Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa A, từng nợ nần khi nuôi cá rô đầu vuông và trồng cây ăn trái... bởi không có thời gian và thiếu kiến thức chăm sóc. Không nản lòng, đầu năm 2021, qua tìm tòi trên sách báo và tham gia học lớp chăn nuôi thủy sản, anh thấy mô hình nuôi lươn phù hợp nên mạnh dạn xây 4 bồn, nuôi 8.000 con lươn.

Anh Quấn chia sẻ, nuôi lươn không tốn nhiều diện tích và thời gian chăm sóc. Mỗi bồn chỉ từ 4-6m2, nuôi được khoảng 3.000 con lươn. Mỗi ngày thay nước từ 3-4 lần, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, nếu có thời gian thì trộn thêm ốc, cá. Đến nay, hầu hết lươn đều đạt loại I, dự kiến vài tuần nữa sẽ bán.

Theo anh Quấn, nếu những năm 2020 và 2021, giá thị trường khoảng 160.000-180.000 đồng/kg (loại I) thì mỗi ký lươn anh lời từ 40.000-50.000 đồng, nhưng nay khoảng 110.000-120.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí còn lãi. “Đây là vụ nuôi đầu tiên nên tôi chủ yếu học kinh nghiệm, đạt được như thế là rất mừng. Dự kiến sau khi xuất bán, tôi sẽ bắt khoảng 15.000 con lươn để nuôi”, anh Quấn cho biết.

Còn anh Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa A, đang cải tạo lại bồn nuôi lươn để nuôi 15.000 con. “Nuôi lươn ít tốn thời gian và chi phí, tôi tin vụ sau sẽ cho lợi nhuận cao hơn”, anh Tuấn nói.

Tháng 3-2021, anh Tuấn bắt 6.000 con lươn để nuôi, do chi phí ban đầu xây bồn và con giống thời điểm ấy khá cao, sau khi bán anh lời khoảng 15 triệu đồng. Thấy nuôi lươn hiệu quả, anh Tuấn sản xuất lươn giống. Dự kiến khi nuôi 15.000 con anh cho đẻ khoảng 5.000 con.

Hiện xã Nhơn Nghĩa A có 7 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên thực hiện mô hình nuôi lươn, tất cả đều nuôi vụ đầu. Tuy vụ đầu lợi nhuận chưa nhiều nhưng nhìn chung mang tính hiệu quả lạc quan trong phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên xã. “Đây được xem là mô hình hay, hiệu quả của đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Nghĩa A, bởi phù hợp với điều kiện thời gian chăm sóc và kinh phí đầu tư. Tới đây, chúng tôi sẽ liên kết với một số công ty, đơn vị hỗ trợ đầu ra, nhằm ổn định giá cả và tăng thu nhập cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia nuôi lươn”, chị Hồ Nguyễn Phượng Anh Hương Thoa, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành A, cho biết.

Ngoài mô hình nuôi lươn, huyện Châu Thành A còn nhiều mô hình nuôi trồng khác trong đoàn viên, thanh niên đang mang lại hiệu quả như: nuôi gà, trồng bưởi, hoa màu, mãng cầu...

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn để mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, hàng năm, Huyện đoàn Châu Thành A phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn. Năm 2021, huyện có hàng chục đoàn viên, thanh niên vay với tổng số vốn trên 850 triệu đồng. Nhìn chung, đoàn viên, thanh niên sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích phát triển sản xuất trong nuôi trồng, góp phần tăng thu nhập bản thân và gia đình.

Ngoài ra, Huyện đoàn Châu Thành A còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn kiến thức về chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các công ty, đơn vị chức năng hỗ trợ đầu ra một số sản phẩm nhằm giúp đoàn viên, thanh niên an tâm lao động, sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế.

Chị Hương Thoa cho biết thêm: “Tới đây, Huyện đoàn sẽ kiểm tra, đánh giá một số mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nhằm tìm ra những mô hình hay, chất lượng, phù hợp để nhân rộng; đồng thời tiếp tục khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ của đoàn viên, thanh niên để mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với bản thân, gia đình. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>