Giúp phụ nữ học nghề

22/02/2023 | 09:57 GMT+7

Để giúp phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập, các ngành và địa phương đã đẩy mạnh đào tạo nghề, góp phần giúp chị em tăng thu nhập, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhiều lao động nữ có việc làm ổn định, góp phần nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Nhờ học nghề, đã có thêm thu nhập

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan lục bình, chị Hà Thị Hương, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có thêm việc làm những lúc nhàn rỗi, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình chị Hương rất khó khăn, không có ruộng vườn, chị thì ở nhà lo việc nội trợ, còn chồng chị ngoài đi đặt trúm ai thuê mướn gì cũng làm. Từ khi có nghề đan lục bình, gia đình chị có thêm khoản tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhờ đó cuộc sống cũng bớt khó khăn. Chị Hương chia sẻ: “Ngoài lo việc nhà, tôi nhận nguyên liệu lục bình về đan giỏ tại nhà. Mặc dù nghề đan đát thu nhập không nhiều nhưng công việc có thường xuyên, nhờ đó tôi có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày như tiền gạo, tiền điện”.

Còn chị Tăng Thị Ngọc Bích, ở phường III, thành phố Vị Thanh, cũng nhờ học nghề may công nghiệp mà có thêm nguồn thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Hoàn cảnh gia đình chị có nhiều khó khăn, thu nhập gia đình chủ yếu do chị lo liệu, bởi mẹ chị lớn tuổi, con thì còn nhỏ. Rồi được địa phương giới thiệu về nghề may công nghiệp, chị đăng ký học với hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập. “Nghề may không khó, chỉ cần mình chú ý thì sẽ nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật may. Nhờ có nghề này, mỗi tháng tôi cũng kiếm được trên 4 triệu đồng, cuộc sống cũng đỡ phần vất vả hơn”, chị Bích bộc bạch.

Được học nghề, có việc làm là nguyện vọng của các chị em phụ nữ. Hàng năm các xã, phường, thị trấn đều khảo sát nhu cầu học nghề của chị em tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp mở các lớp dạy nghề phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho chị em được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp. Thành lập và nhân rộng các mô hình tổ liên kết, tổ sản xuất, tổ hợp tác giúp giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho chị em.

Đầu năm 2021, Tổ may công nghiệp ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, được thành lập, với 15 thành viên, chuyên may các sản phẩm quần áo nữ. Chị Nguyễn Thị Phương Kiều, Tổ trưởng tổ may, chia sẻ: “Nếu chịu khó, nhanh tay các chị em có thể kiếm được từ 3,5-6 triệu đồng mỗi tháng. Tùy theo đơn hàng khó hay dễ mà thời gian giao hàng khác nhau, bình quân từ 3-4 ngày chúng tôi giao sản phẩm một lần. Cái được của nghề này là công việc có quanh năm, với lại chị em vừa có thể lo công việc gia đình vừa có thể kiếm được tiền, lo cuộc sống gia đình”. Từ khi tổ may được thành lập đã tạo việc làm ổn định cho 15 chị em tại địa phương, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nguồn thu nhập để lo cuộc sống gia đình.

Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với thị trường lao động

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp: Hàng năm phòng đều phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, trên cơ sở đó mở các lớp nghề vừa sát với nhu cầu của người dân, vừa đáp ứng nhu cầu của công ty, doanh nghiệp. Trong số lao động tham gia học nghề, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao với các nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, đan đát... Việc học nghề sẽ giúp chị em có được việc làm, ổn định về kinh tế, tránh phụ thuộc vào nam giới.

Còn bà Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân, cho rằng: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của hội, giúp chị em tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hàng năm, hội đều khảo sát nhu cầu học nghề của chị em tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất mở các lớp đào tạo nghề phù hợp gắn với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giới thiệu việc làm, góp phần tăng thu nhập cho chị em.

Đào tạo nghề cho lao động nữ rồi giới thiệu việc làm, giúp chị em tăng thu nhập được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm thực hiện. Học nghề không chỉ giúp phụ nữ có công ăn việc làm và tăng thu nhập, mà qua đây cũng đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nữ vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ nữ chiếm bình quân khoảng 40%, tỷ lệ nữ giải quyết việc làm chiếm bình quân khoảng 43%, phụ nữ được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm sau học nghề, mua bán, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng khác đạt 80%.

Theo ông Nguyễn Minh Thương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp nhiều phụ nữ vươn lên. Từ đó, góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với thị trường lao động, qua đó ngày càng nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Hàng năm, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ nữ chiếm bình quân khoảng 40%; tỷ lệ nữ giải quyết việc làm chiếm bình quân khoảng 43%; phụ nữ được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm sau học nghề, mua bán, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng khác đạt 80%.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>