Đồng hành cùng lao động nông thôn

16/09/2021 | 09:07 GMT+7

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Hậu Giang đã có nhiều giải pháp tích cực, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Người lao động có được việc làm nhờ những lớp dạy nghề cho LĐNT. (Ảnh chụp trước khi thực hiện Chỉ thị số 08 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Những kết quả tích cực

Bên hiên nhà, chị Hà Xuân Hương, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thoăn thoắt luồn từng cọng lục bình vào nhau, chẳng mấy chốc chiếc hộp đã hình thành với những mắt đan khéo léo. Theo chị Hương, nhà không có ruộng đất, quanh năm chồng chị đi làm thuê làm mướn. Vì vậy, khi địa phương mở lớp đan lục bình, chị đã đăng ký, mong muốn với nghề đã học sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Hương nhận khung đan gia công. Ban đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, sau thời gian làm riết rồi quen, tay nghề được nâng lên. “Từ khi có nghề đan lục bình, mỗi tháng tôi cũng kiếm trên 1 triệu đồng, cộng với thu nhập của chồng, cuộc sống cũng ổn định hơn”, chị Hương bộc bạch.

Còn chị Lê Bích Tuyền, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cũng có cuộc sống ổn định nhờ học nghề may công nghiệp. Trước đây, chị làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, mức lương khá, song do làm xa nhà, chi phí đắt đỏ, mỗi tháng không còn được bao nhiêu nên chị xin nghỉ. Về quê, chị học nghề may rồi xin vào làm ở công ty gần nhà, lương mỗi tháng được 4 triệu đồng. Số tiền này giúp chị lo cuộc sống gia đình. Chị Tuyền chia sẻ: “Ở nông thôn có việc làm như vậy người lao động chúng tôi mừng lắm. Ngoài có thu nhập ổn định, chúng tôi còn được tham gia các chính sách bảo hiểm”.

Từ tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trọng tâm của đề án là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo điều kiện cho LĐNT được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước. Tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo bà Võ Thị Mỹ Trang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội tham gia vào công tác đào tạo nghề và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề cho LĐNT; chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề phát huy hiệu quả; đào tạo theo nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. “Từ năm 2008-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 68.508 LĐNT, trong đó, có 30.813 người học nghề nông nghiệp và 37.697 người học nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau học nghề trên 80%. Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân”, bà Võ Thị Mỹ Trang cho biết.

Dạy nghề - vẫn là giải pháp tốt để tạo việc làm...

Để LĐNT tích cực, chủ động tham gia học nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã mở các lớp dạy nghề dựa trên nhu cầu của người học, đồng thời gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A: Dựa trên nhu cầu đăng ký học nghề của lao động ở địa phương, đến nay, huyện Châu Thành A đã đăng ký 11 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, tiến độ khai giảng các lớp nghề, tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng. Ông Trí cho biết: “Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi xác định có nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Tuy nhiên, với quyết tâm tạo việc làm cho người lao động, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trung tâm sẽ phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp nghề”.

Còn theo ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phụng Hiệp: Huyện đã đăng ký 15 lớp nghề phi nông nghiệp, với các nghề đan dây nhựa, đan lục bình, may công nghiệp… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, đến nay trung tâm chưa tổ chức khai giảng. “Khi nào tỉnh cho phép khai giảng các lớp đào tạo nghề, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông báo đến người lao động để mở các lớp nghề như kế hoạch. Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều lao động mất việc, vì vậy, những lớp đào tạo nghề cho LĐNT được xem là giải pháp tạo việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Mai cho biết.

Nhiều lớp đào tạo nghề được phê duyệt nhưng chưa thể khai giảng

Năm 2021, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 3.000 LĐNT. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, các địa phương cũng rà soát, nắm nhu cầu học nghề của người dân. Đến nay, đã phê duyệt 66 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể khai giảng.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>