Chú trọng đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

27/05/2021 | 10:00 GMT+7

Xác định việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành và kêu gọi đơn vị, doanh nghiệp, người lao động tích cực thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc, đảm bảo tài sản, sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp.

Bà Võ Thị Mỹ Trang (phải), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm hỏi, tặng quà gia đình có người bị tai nạn lao động tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn bởi nó để lại những mất mát không gì có thể bù đắp với người lao động, gia đình của họ, cùng với đó doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, thực hiện công tác ATVSLĐ. Đồng thời, ngành chức năng cũng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức các lớp huấn luyện ATVSLĐ. Kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật lao động. Từ đó, góp phần vào việc nâng cao ý thức trong thực hiện công tác ATVSLĐ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình hình tai nạn lao động vẫn còn xảy ra, để lại nỗi đau cho gia đình và bản thân người lao động, mang đến gánh nặng cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2020 vừa qua, cả nước xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị tai nạn. Trong đó có 919 vụ chết người với 966 người tử vong. So với năm 2019, số vụ tai nạn lao động của năm 2020 tăng trên 4,8%, số người bị tai nạn lao động tăng gần 5,3%, số vụ có người chết tăng gần 10%, số người chết tăng gần 8,4%, số người bị thương nặng tăng gần 1,6%. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thường xảy ra tai nạn lao động chết người là: xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, dịch vụ và cơ khí, luyện kim. Tại tỉnh Hậu Giang, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 88 vụ tai nạn lao động, tăng 14% so với năm 2019. Trong đó, có 4 người chết và 2 người bị thương nặng, ước tổng thiệt hại gần 2,2 tỉ đồng. Riêng quý I/2021 có 1 người chết vì tai nạn lao động. Thực tế cho thấy, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người thường rơi vào những trường hợp người lao động không có hợp đồng lao động, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và chưa tham gia tập huấn về an toàn lao động.

Đảm bảo ATVSLĐ là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh những yếu tố nguy hiểm, có hại và tạo điều kiện làm việc an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước và của tỉnh nhà. Theo bà Võ Thị Mỹ Trang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua ngành đã tập trung thực hiện một số hoạt động trọng tâm về ATVSLĐ như tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lắp đặt pano, treo băng rôn tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, phát hành các ấn phẩm truyền thông về ATVSLĐ đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý duy trì các hoạt động thường xuyên về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật. Trong năm 2020, tỉnh đã tổ chức 11 lớp huấn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để triển khai có hiệu quả công tác ATVSLĐ, trong thời gian tới, các đơn vị doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về ATVSLĐ, thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các vị trí sản xuất, nơi làm việc, máy móc thiết bị và chủ động đề ra biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc. Đồng thời, chú ý đến việc trang bị bảo hộ lao động cho người lao động. Riêng người lao động cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc...

An toàn trong lao động được thực hiện tốt sẽ là một trong những yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp thu hút lao động, tạo nên thế cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh đẹp của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng đề ra, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, phồn vinh…

Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người thường rơi vào những trường hợp người lao động không có hợp đồng lao động

Tại tỉnh Hậu Giang, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 88 vụ tai nạn lao động, tăng 14% so với năm 2019. Trong đó, có 4 người chết và 2 người bị thương nặng, ước tổng thiệt hại gần 2,2 tỉ đồng. Riêng quý I/2021 có 1 người chết vì tai nạn lao động. Thực tế cho thấy, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người thường rơi vào những trường hợp người lao động không có hợp đồng lao động, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và chưa tham gia tập huấn về an toàn lao động.

 

Bài, ảnh: B.LOAN - B.CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích