Câu chuyện của bà Mười: Khi đôi tay làm cả công việc của đôi chân

26/10/2021 | 09:48 GMT+7

Suốt hơn 50 năm qua, bà Nguyễn Thị Mười, ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, luôn nỗ lực để đứng vững trên chính đôi chân khiếm khuyết của mình. Bằng nghị lực của bản thân, bà Mười hiện là chủ của cơ sở đan lục bình có khoảng 40 lao động. Mới đây, bà là một trong 24 phụ nữ xuất sắc tiêu biểu của cả nước có dự án khởi nghiệp đạt giải tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bà Mười mong muốn cơ sở mình phát triển hơn nữa để giúp ích cho nhiều phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ khuyết tật.

So với mọi người thì bà Mười là phụ nữ kém may mắn hơn vì khi vừa tròn 3 tuổi đã mắc bệnh sốt và hậu quả để lại là đôi chân dị tật. Không đầu hàng số phận, từ nhỏ bà luôn luôn nỗ lực để được học hành với mong muốn có nghề nghiệp ổn định tự nuôi thân. Từ khi trưởng thành đến nay, bà luôn tự nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình.

Nhà đông anh chị em, bản thân tật nguyền nên mãi đến năm 11 tuổi bà Mười mới vào lớp 1. Con đường đến trường ngày ấy của bà vô cùng vất vả, chủ yếu là nhờ mẹ cõng. Không tự ti, mặc cảm, bà luôn cố gắng học cho mình cái chữ. Đến hết lớp 11, do hoàn cảnh gia đình bà tạm dừng việc học chữ và chuyển sang học nghề thêu tay. Từ đó, bà có thu nhập để tự lo cho bản thân.

Sau nhiều năm, nghề thêu tay không còn thịnh hành, bà bắt đầu đi học nghề đan lục bình để có được nguồn thu nhập ổn định hơn. Nhờ khéo tay, chăm chỉ nên bà học nghề nào cũng nhanh thạo việc. Dần dần, bà Mười yêu thích và gắn bó với công việc đan lục bình cho đến nay.

“Năm 2004, trên địa bàn huyện mới có cơ sở đan lục bình đầu tiên, nhiều chị em đến học nghề và làm việc. Do đi đứng khó khăn nên tôi học nghề lại từ những người quen gần nhà rồi nhờ họ lãnh sản phẩm về làm. Sau thời gian làm nghề, tôi được chủ cơ sở thuê về làm công việc quản lý kỹ thuật tại cơ sở. Qua 8 năm gắn bó, nắm vững nghề đan, biết thêm kỹ năng quản lý, phương pháp tổ chức sản xuất, tôi về nhà tự thành lập cơ sở đan nho nhỏ để thuận tiện cho việc trông coi nhà cửa”, bà Mười bộc bạch.

Từ năm 2012, bà Mười bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở đan lục bình có khoảng 5 lao động. Cho đến nay, cơ sở đan lục bình của bà đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động ở 3 tổ đan gia công do bà thành lập ở trong và ngoài địa bàn xã.

“Công việc chính của tôi hiện nay là nhận khung và nhập nguyên liệu đan phân phối lại cho các tổ đan, sau đó thu gom sản phẩm về giao lại cho công ty. Từ khi thành lập cơ sở đến nay không chỉ bản thân tôi có cuộc sống ổn định mà nhiều chị em nhàn rỗi có được việc làm tại nhà, kiếm thêm thu nhập nên tôi thấy phấn khởi lắm”, bà Mười chia sẻ.

Theo bà Mười, nghề đan lục bình ai cũng có thể học làm được, không giới hạn độ tuổi hay giới tính, thích hợp mọi thành phần trong xã hội. Tất cả các thành viên trong một gia đình có thể thực hiện được nhiều công đoạn khác nhau từ cắt lục bình, phơi, đan... Công việc này đa phần được làm tại nhà nên các chị em vừa có thể làm lúc rảnh, vừa có thể làm công việc nhà, nuôi dạy con cháu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sáu, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, thành viên Tổ đan gia công thuộc cơ sở đan của bà Mười, cho biết: “Tổ chúng tôi có đến 25 người làm thường xuyên. Tròn 4 năm chúng tôi gắn bó với cơ sở đan của chị Mười. Nhờ có cơ sở của chị Mười ở gần nên chị em tranh thủ được thời gian rảnh rỗi nhận hàng về làm kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng chúng tôi cũng kiếm được 2-3 triệu đồng từ công việc này”.

Nhận thấy sự nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ đáng quý của bà Mười, hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện cho bà tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Trải qua nhiều vòng thi, dự án khởi nghiệp “Trồng và đan lục bình thành hàng thủ công mỹ nghệ đạt theo quy chuẩn OCOP” của bà Mười là một trong 24 dự án xuất sắc nhất trong tổng số trên 1.500 đề xuất, dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi và đã đạt giải “Vì cộng đồng”.

Bà Mười chia sẻ thêm: “Tham gia cuộc thi lần này càng tạo cho tôi động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa. Tôi không ngại khó, ngại khổ, tôi chỉ mong muốn sao cơ sở mình ngày càng phát triển hơn nữa để giúp ích cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn có được công việc ổn định, tăng thu nhập, nhất là đảm bảo công việc ổn định cho phụ nữ khuyết tật. Đây chính là mục tiêu mà tôi mong muốn từ khi mình sống được với nghề này”,

Theo bà Lê Thị Chói, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, xác định việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng của Hội nên thời gian qua các cấp hội trong huyện luôn quan tâm tạo điều kiện cho các chị em hội viên, phụ nữ thực hiện ước muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong năm 2021, ngoài việc hỗ trợ cho hội viên Nguyễn Thị Mười tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, Hội còn đăng ký hỗ trợ 15 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên… Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn huyện thêm khởi sắc.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Chị Mười sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông dân, đôi chân không được lành lặn như bao phụ nữ khác nhưng chị không lấy đó làm mặc cảm, tự ti mà đã cố gắng vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, của bản thân để xây dựng một cơ sở đan lục bình như hiện nay; tạo nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ và là niềm tự hào, động lực, là nguồn cảm hứng cho chị em trong tỉnh phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, nhất là chị em khuyết tật. Dự án khởi nghiệp “Trồng và đan lục bình thành hàng thủ công mỹ nghệ đạt theo quy chuẩn OCOP” của chị Mười không chỉ mang dấu ấn về sáng tạo, nỗ lực của cá nhân mà còn vô cùng có ý nghĩa đối với cộng đồng”.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>