Bài toán về thiếu hụt lao động cần sớm có lời giải

08/10/2021 | 08:09 GMT+7

Lao động thiếu, không đủ đáp ứng lượng sản phẩm theo đơn hàng dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hiện hữu. Đây là tình cảnh chung mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp phải. Tháo gỡ bài toán về lao động cho các doanh nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới” là vấn đề cấp bách hiện nay.

Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang duy trì và mở rộng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Thiếu hụt lao động

Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, huyện Châu Thành, xác định việc duy trì và mở rộng “3 tại chỗ” là rất cần thiết, vì vừa duy trì được sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Hiện, công ty đã chuẩn bị hơn cho 3.500 chỗ ở cho công nhân. Dự kiến, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thêm chỗ ở đảm bảo tiếp nhận thêm khoảng 8.000 đến 10.000 lao động. Do vậy, công ty đề xuất tỉnh cho phép tiếp nhận 2.200 lao động (gồm các xã, thị trấn như Đông Phú, Phú Hữu, Mái Dầm, Ngã Sáu, Phú Tân, Đông Thạnh, Đông Phước, Đông Phước A) trên địa bàn huyện Châu Thành đạt “vùng xanh” và 1.000 lao động ngoài tỉnh Hậu Giang đang lưu trú tại các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ vào làm việc theo phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Ông Nguyễn Văn Di, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chia sẻ: Về thủ tục nhận lại lao động, người lao động phải có giấy test nhanh Covid-19 hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi được lên đến công ty làm việc, chi phí test Covid-19 công ty sẽ thanh toán cho người lao động. Công ty sẽ tổ chức nhận hàng ngày theo đợt, mỗi đợt 50 người, theo danh sách đăng ký (dự kiến khoảng 2.000 người). Tổ chức khu vực làm việc, nghỉ ngơi riêng, thực hiện theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ưu tiên lao động đã tiêm vắc-xin tại địa phương.

“Hiện, công ty đang thiếu hụt nguồn lao động, bởi lao động ngoài tỉnh vào phải cách ly 14 ngày theo quy định. Lao động được làm việc “3 tại chỗ”, công ty sẽ lo ăn, chỗ ở. Trong thời gian giãn cách xã hội tại tỉnh Hậu Giang thực hiện theo chỉ thị 16, một ngày, người lao động sẽ được phía công ty hỗ trợ 100.000 đồng và 3 bữa ăn sáng, trưa và chiều. Công ty đang dự kiến tuyển thêm 2.000 lao động phục vụ “3 tại chỗ”. Kết hợp với chính quyền địa phương tuyển dụng lực lượng lao động từ các tỉnh trở về địa phương sau khi hoàn thành cách ly. Nếu người lao động có nhu cầu thì công ty sẽ nhận vào làm việc, ưu tiên nguồn lao động địa phương và người lao động các vùng giáp ranh lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện cho lực lượng lao động “3 tại chỗ” được công ty nhận thêm vào được tiêm vắc-xin sớm để người lao động yên tâm tham gia sản xuất”, ông Nguyễn Văn Di cho biết thêm.

Còn Tập đoàn Lạc Tỷ ở Việt Nam có hai nhà máy lớn ở khu vực miền Tây đặt tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Vĩnh Long. Hai nhà máy đang gặp cùng một tình trạng là có số lượng lao động đông nhưng tỷ lệ được đi làm hiện nay theo các phương án được phê duyệt rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5-7% số lượng lao động của nhà máy. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của đơn vị.

Ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho biết: Tình hình các địa phương đã có khởi sắc hơn, nhất là trong việc ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, công ty kiến nghị địa phương xem xét cung cấp cụ thể lộ trình để công ty hoạt động trở lại theo kiến nghị của Tập đoàn Adidas 30%, 50% và 70% để công ty biết được thời gian nào nhận được tương ứng số lượng công nhân được phê duyệt đi làm, từ đó có kế hoạch khôi phục sản xuất. Hiện, nhà máy rất bị động số lượng công nhân đi làm để lên kế hoạch sản xuất.

Ngoài ra, ông Trần Công Minh Khoa cũng đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân để đảm bảo điều kiện, môi trường sản xuất an toàn. Kiến nghị địa phương xem xét hỗ trợ, hướng dẫn cho công nhân đi làm bằng phương tiện đưa đón và tự túc cá nhân. Vì số lượng công nhân lớn, việc đưa đón bằng xe buýt khả năng công ty rất khó đảm bảo, cũng như các đơn vị phục vụ vận chuyển cũng không thể đáp ứng được hoàn toàn việc vận chuyển số lượng công nhân lớn. Ngoài ra, công nhân ở nhiều tỉnh lân cận nhưng hiện việc đi lại giữa các tỉnh chưa được phép cho nên đây cũng là lý do ảnh hưởng nhiều đến số lượng lao động tại nhà máy.

Nới lỏng có lộ trình

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ vẫn còn cao nhưng Hậu Giang đang từng bước quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Lãnh đạo tỉnh mong muốn toàn thể Nhân dân đoàn kết, đồng lòng cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, đời sống người dân khấm khá.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động với phương án “3 tại chỗ”, đồng thời kèm phương án phòng chống dịch được Bộ Y tế hướng dẫn. Tới đây, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục cho doanh nghiệp tiếp nhận thêm lao động phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, trên cơ sở nguồn vắc-xin được phân bổ của Bộ Y tế, tỉnh cũng đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân và người lao động.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chính phủ luôn nỗ lực trong việc huy động tối đa nguồn vắc-xin về Việt Nam, đảm bảo người lao động làm việc tại các khu công nghiệp và khu kinh tế là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Chính phủ nới lỏng và khôi phục các hoạt động kinh tế theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, bằng tinh thần, trách nhiệm và sự quyết tâm của tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là hiện tỉnh còn rất nhiều doanh nghiệp giải quyết việc làm, nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho người lao động nên mong người dân và người lao động khi đã về nên ở lại để tỉnh phối hợp, hỗ trợ để tạo công ăn việc làm cho người lao động.

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>