Thịt làm từ… mít: Có thể không !?

02/11/2022 | 07:42 GMT+7

Từ nguồn nguyên liệu mít dồi dào tại địa phương, một cơ sở sản xuất đã nghiên cứu phát triển các sản phẩm thịt thực vật từ mít, điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ...

Chị Cao Thị Cẩm Nhung bên những sản phẩm thịt làm từ mít do chính mình sáng tạo.

Tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn có và nhiều ở địa phương

Cơ sở sản xuất nước xốt, gia vị và thực phẩm Mai Dương (phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy), là một doanh nghiệp có hơn 8 năm kinh nghiệm trong sáng tạo và chế biến các thực phẩm, với nước xốt me đã được đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và nhiều sản phẩm khác. Thời gian qua, cơ sở nghiên cứu, tạo ra những thực phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao. Một trong những đột phá mới nhất của cơ sở là thương hiệu Lemit Foods, với các sản phẩm làm từ mít như: khô mít, bánh phồng mít, thát lát mít, thát lát mít tẩm vị, mộc chả mít, pate mít,...

Chị Cao Thị Cẩm Nhung, Chủ cơ sở Mai Dương, cho biết: Những sản phẩm làm từ mít được chị bắt đầu nghiên cứu từ năm 2020, đến năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh của cơ sở gặp nhiều khó khăn. Chị quyết định thử đưa sản phẩm làm từ mít lên các sàn thương mại điện tử và giới thiệu với một số khách hàng thân thiết. May mắn là các sản phẩm này đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Các sản phẩm của Lemit Foods được chia ra làm 3 nhóm chính: snack ăn vặt (bánh phồng mít, khô mít); thực phẩm bữa ăn phụ/chính, nấu món ăn nhanh (pate mít, chả cá thát lát mít) và nguyên liệu chế biến món ăn (mít non đóng hộp, nhân bánh từ mít). Bên cạnh nguyên liệu chính là mít tươi, doanh nghiệp còn kết hợp, phối trộn với nhiều nguyên liệu từ thực vật, tự nhiên và giàu dinh dưỡng khác như nấm, đậu nành,… Tùy vào từng sản phẩm mà thành phần và cách chế biến sẽ khác nhau. Với 7 sản phẩm thịt làm từ mít ở thời điểm hiện tại, Lemit Foods có khả năng đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng của người tiêu dùng.

Với các sản phẩm làm từ mít, Lemit Foods mong muốn góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu mít sẵn có tại địa phương. Chị Cẩm Nhung chia sẻ thêm: “Trong gia đình tôi có ba và bác trồng mít rất nhiều. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá mít xuống rất thấp mà không có đầu ra. Thấy cảnh mít ra nhiều hoa, quả, nhưng người nông dân phải cắt bỏ, chỉ chừa một vài quả để đạt giá trị cao nhất. Khi thu mua, thương lái chỉ mua những trái mít đạt chuẩn, còn mít bị xơ đen lại có giá rất thấp. Do đó, trước tiên, tôi muốn chủ động nguồn nguyên liệu mít từ gia đình. Nâng tầm trái mít cho nông dân, không để mít rơi vào cảnh được mùa, mất giá”.

Cùng với sự phát triển của các sản phẩm Lemit Foods, trong thời gian tới, dự đoán lượng mít doanh nghiệp tiêu thụ cho nông dân tại địa phương ngày càng tăng. Từ đó, giúp người trồng mít có đầu ra ổn định, phát triển kinh tế bền vững hơn.

Tiên phong xu hướng “thịt nhưng không có thịt”…

Lâu nay, trái mít thường được sử dụng ở hai dạng phổ biến là ăn tươi và sản xuất thành snack để ăn vặt. Do đó, việc sản xuất các sản phẩm thịt làm từ mít của cơ sở Mai Dương được xem là một hướng đi mới có tính đột phá. Theo nhiều nghiên cứu, mít là loại trái cây giàu dinh dưỡng, có thể cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Với những người ăn chay, mít là lựa chọn tuyệt vời để thay thế thịt vì chứa nhiều chất xơ, kẽm, kali,… cần thiết cho cơ thể.

Theo chị Cẩm Nhung: “Mít vốn được xem là một nguồn thực phẩm dự trữ trong tương lai. Khi dân số phát triển sẽ kéo theo lượng thịt động vật sản xuất ra sẽ không đáp ứng đủ. Mà khi con người sử dụng tiêu thụ nhiều sản phẩm động vật sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường”. Các sản phẩm của thương hiệu Lemit Foods không chỉ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng mà còn có hương vị thơm ngon, hình thức và kết cấu giống thịt. Với Lemit Foods, người tiêu dùng có thể từng bước thay thế thịt động vật trong bữa ăn hàng ngày, giúp cải thiện sức khỏe và tạo ra sự phát triển bền vững.

Với sự cố vấn của GS.TS. Võ Tòng Xuân cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, Lemit Foods đang ngày càng hoàn thiện về mẫu mã và chất lượng. Các sản phẩm này đang trong giai đoạn khảo sát ý kiến khách hàng thông qua các kênh phân phối nhỏ lẻ. Dự kiến, sẽ bày bán rộng rãi trên thị trường sớm nhất vào tháng 12 tới. Đây cũng là một trong 8 dự án khởi nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long vào chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo toàn quốc năm nay.

Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Ngã Bảy, đánh giá: “Sản phẩm của chị Nhung là những sản phẩm làm từ mít đầu tiên của thành phố Ngã Bảy, có tầm quan trọng khi giúp giải quyết đầu ra của trái mít cho người nông dân ở địa phương. Tạo ra một thương hiệu độc đáo, mang nét riêng của thành phố Ngã Bảy. Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng và phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em đến người lớn tuổi, người ăn mặn hay ăn chay”.

Kỳ vọng thương hiệu Lemit Foods sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu xu hướng “thịt nhưng không có thịt” trên địa bàn tỉnh, đưa hình ảnh đổi mới sáng tạo của Hậu Giang ngày càng vươn xa trên thị trường trong vùng cũng như cả nước.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>