Tháo điểm nghẽn để kinh tế - xã hội phát triển

08/03/2023 | 08:04 GMT+7

Hai tháng đầu năm, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngoài đạt nhiều kết quả khởi sắc thì vẫn đang tồn tại không ít khó khăn, thách thức cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ trong thời gian tới.  

Giá lúa Đông xuân đang ở mức cao, nông dân phấn khởi.

Những điểm nhấn quan trọng

Theo chia sẻ của ngành nông nghiệp tỉnh thì trong tháng 2, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh tập trung vào vụ lúa Đông xuân 2022-2023 đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong đó, hiện nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 11.000ha trong tổng số diện tích xuống giống là hơn 75.500ha, năng suất bình quân đạt 7,78 tấn/ha. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng thêm gần 74ha, lũy kế đến nay được hơn 2.000ha; trong đó mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn hiệu quả, đem lại thêm thu nhập cho người dân. Mặt khác, hiện ngành chức năng có liên quan đã cấp 116 mã số vùng trồng cho nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh, trong đó có 2 mã số vùng trồng trên cây sầu riêng được cấp trong 2 tháng đầu năm 2023.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Qua 2 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc, nhất là nhiều mặt hàng nông sản tăng giá như: sầu riêng, mít, lúa… Qua đây, tạo không khí phấn khởi và hăng say lao động sản xuất cho nông dân. Điển hình như giá lúa Đông xuân đang dao động từ 6.200-7.400 đồng/kg, tăng từ 800-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong đó, điều bất ngờ là giống lúa IR 50404 ở mức 6.400 đồng/kg. Dự kiến đến ngày 15-4 tới, nông dân Hậu Giang sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân; đồng thời đơn vị cũng đang xây dựng kế hoạch xuống giống cho vụ lúa Hè thu. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy rừng vẫn được các đơn vị liên quan của tỉnh, huyện và các chủ rừng tổ chức thực hiện tốt. 

Cùng với lĩnh vực nông nghiệp thì hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khi giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 2 vừa qua thực hiện được 2.584 tỉ đồng, tăng 9,47% so với tháng trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63,16 triệu USD, tăng 21,89% so với tháng trước; tổng thu ngân sách nhà nước được 984 tỉ đồng, lũy kế được 2.284 tỉ đồng, đạt 21,35% dự toán Trung ương và đạt 20,61% dự toán HĐND tỉnh; đồng thời trong tháng 2, tỉnh đã thu hút được một dự án FDI.

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nhận định: Hoạt động sản xuất công nghiệp của Hậu Giang trong tháng vừa qua đạt mức tăng trưởng mạnh là do các doanh nghiệp và cơ sở cá thể sản xuất công nghiệp hoạt động nhiều hơn từ 7-10 ngày so với tháng trước và so với cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Bên cạnh những mặt tích cực như trên thì nhiều sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã nêu lên không ít điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cần có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm. Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Trong tháng 2, công tác giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 4% (tương đương khoảng 170 tỉ đồng), trong khi tháng 1 năm nay thì công tác này đạt đến 14%. Tình trạng giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công như tháng 2 vừa qua thật sự là đáng lo ngại. Do đó, các ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để đạt số lượng theo chỉ tiêu tỉnh giao vào từng thời điểm cụ thể.

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm hiện nay là việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là tại dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó có đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện vẫn còn nhiều đoạn đứt khúc, đứt quãng, từ đó phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về nguyên nhân của tình trạng trên được ngành tài nguyên và môi trường tỉnh cho rằng, tại huyện Châu Thành do vướng công tác kiểm kê cây trồng, nhất là việc bà con trồng mai vàng; đồng thời đường dây điện, cáp viễn thông đang trong quá trình di dời, nhiều hộ bị ảnh hưởng đất lúa xin chậm bàn giao mặt bằng do đợi thu hoạch, cũng như tình trạng người dân chưa đồng tình với giá đền bù...

Để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương phê duyệt phương án bồi thường đối với tất cả các hộ dân còn lại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công bàn giao mặt bằng liền tuyến để thi công. Riêng phần diện tích đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng còn “da beo”, đơn vị thi công không đưa máy móc vào thi công được thì khẩn trương phối hợp với các địa phương có phương án xử lý, đảm bảo mặt bằng cho đơn vị thi công. Định kỳ một tuần hoặc 10 ngày, các đơn vị phải tổ chức họp giao ban để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Riêng đối với huyện Châu Thành và huyện Phụng Hiệp phải sớm giải quyết dứt điểm các hộ trồng mai, đặt ống bọng nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đặc biệt khẩn trương bàn giao mặt bằng tại nút giao IC3 (giao với Quốc lộ 1A) ngay trong tháng 3 này.

Cùng với công tác giải phóng mặt bằng thì tình hình dịch bệnh trên người cũng đang là nỗi lo không nhỏ cho ngành y tế và các địa phương trong tỉnh vào thời điểm này. Ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, thông tin: Hiện tình hình bệnh xuất huyết và tay - chân - miệng đang diễn biến rất phức tạp tại địa phương. Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh sốt xuất huyết, khi huyện Vị Thủy vừa có một ca tử vong nghi bệnh sốt xuất huyết nên ngành chức năng địa phương đang tập trung xử lý ổ dịch tại ấp 4, xã Vị Bình.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho hay: Trong tháng 2 vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận có 67 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, lũy kế có 199 ca, tăng 199 ca so với cùng kỳ; đồng thời cũng trong tháng 2 có 25 ca mắc mới bệnh tay - chân - miệng, lũy kế có 69 ca, tăng 67 ca so với cùng kỳ. Trước tình hình trên, đơn vị đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở tăng cường triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

Giống như nhiều lĩnh vực trên thì theo báo cáo của ngành Công an tỉnh, tình hình tai nạn giao thông trong tháng 2 vừa qua trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; trong đó, nổi cộm là huyện Vị Thủy khi con số thống kê của ngành chức năng địa phương này thì tình hình tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí trong 2 tháng đầu năm nay bằng với cả năm 2022 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 16 người, bị thương 1 người; so với tháng trước thì số vụ tăng 13, số người chết tăng 12, số người bị thương tăng 1; so với cùng kỳ thì số vụ tăng 7, số người chết tăng 6 và số người bị thương tăng 1.

Liên quan đến công tác an toàn giao thông, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành Công an tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông; đặc biệt là quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 5 ngày 2-3 vừa qua của UBND tỉnh về thực hiện nghiêm quy định không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>