Thách thức trong hành trình “cất cánh” của đồng bằng

23/11/2022 | 07:38 GMT+7

Được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kỳ vọng trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, vùng đất Chín Rồng đến nay vẫn chưa phát huy được thế mạnh, việc tháo gỡ những điểm nghẽn và tìm hướng đi bền vững đang là mục tiêu được vùng tập trung. Những vấn đề này được nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vừa qua.

Bài 1: Nhiều nút thắt

Những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa khai thác hết thế mạnh sẵn có... đã và đang gây khó khăn không nhỏ cho vùng trong quá trình cùng thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo là nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai…

Nhân lực dồi dào, nhưng chất lượng chưa cao

ĐBCSL với diện tích tự nhiên gần 40.000km2, gồm 13 tỉnh, thành và khoảng 18 triệu dân, vùng đóng góp khoảng 18% GDP cho quốc gia. Tuy nhiên, trong 10 năm qua dân số của vùng giảm đi khoảng 1,3 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở bậc đại học trở lên ở ĐBCSL chỉ có khoảng 7% trên tổng số dân so với cả nước là 63%. Qua đây cho thấy, nguồn nhân lực có trình độ cao của vùng còn rất thấp.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian qua, dân số ĐBSCL có một sự dịch chuyển khá lớn. Vừa rồi khi xảy ra dịch Covid-19 khoảng 1,3 triệu người ở các khu công nghiệp Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… di chuyển trở về ĐBSCL. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động ở đây không có “đất” để phát triển. Sự dịch chuyển lao động cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính ĐBSCL. Nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL kém về chất lượng, rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tương tự, quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa ở ĐBSCL phát triển khá nhanh, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo, huấn luyện bài bản, có tay nghề, có bằng cấp cũng là vấn đề khó khăn”. Trước năm 2000, ĐBSCL chỉ có duy nhất Trường Đại học Cần Thơ, sau năm 2000 tới nay, vùng có thêm 10 trường đại học, nhưng đến nay chất lượng nguồn nhân lực của vùng vẫn thấp.

Khi đề cập đến nguồn nhân lực trong vùng ĐBSCL, nhiều chuyên gia nhận định rằng, nơi đây có lợi thế nguồn lao động dồi dào, nhanh nhạy, sẵn sàng tiếp cận các cơ hội việc làm, song lại có điểm yếu là tay nghề chưa cao. TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định: ĐBSCL vừa là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, nhưng hiện nay ĐBSCL lại là khu vực chịu thiệt thòi nhiều nhất về nguồn nhân lực. Trong số khoảng 18 triệu người ở ĐBSCL, tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học là rất thấp. Thậm chí thấp hơn vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Do vậy, việc công nghiệp hóa ở các địa phương vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ rất khó khăn, chưa kể làn sóng di cư của ĐBSCL ra các khu vực khác.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đang gây cản trở khá lớn cho sự phát triển của vùng, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ: “Chúng ta đang hướng đến chuyển đổi số và theo dự báo trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp về phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)... Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho những vị trí này chưa nhiều. Theo báo cáo của nhóm quản trị nhà nước kiêm cố vấn phát triển số của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, trong tổng số 430.000 nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của cả nước, những người từ ĐBSCL chỉ chiếm 5%. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng dân số, khi dân số của vùng chiếm khoảng 19% dân số cả nước”.

Tồn tại nhiều thách thức lớn

Ngoài thách thức về thiếu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, việc chưa khai thác được thế mạnh từ lĩnh vực nông nghiệp, cũng làm cho vùng đang phát triển khá chậm. PGS.TS Võ Thành Danh, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “ĐBSCL hiện đang đối mặt với vấn đề nghịch lý của sự phát triển đó là, một vùng kinh tế có nhiều lợi thế tiềm năng đặc biệt, là nông nghiệp, nhưng lại không phát triển được thế mạnh từ nông nghiệp. Thậm chí một nền nông nghiệp chưa chịu thay đổi theo xu thế nông nghiệp hiện đại, đang trở thành gánh nặng cho triển vọng phát triển”.

Không chỉ chưa phát huy được tiềm lực lớn, trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết và thiên tai đang có xu hướng thay đổi bất thường, vùng ĐBSCL được cảnh báo là nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu. Bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp phát triển ĐBSCL toàn diện, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét.

Nhận định về những thách thức lớn của vùng ĐBSCL, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ: Vùng ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức, tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Vì thế, quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một bản quy hoạch mới với tầm nhìn dài hạn, tư duy mới. Đồng thời, phải phát triển vùng ĐBSCL bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị là rất cấp thiết!

Bài, ảnh: AN NHIÊN

-------------------

Bài 2: Hiến kế để đất Chín Rồng vươn mình

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>