Sức sống mới ở vùng giáp ranh

26/01/2023 | 10:39 GMT+7

Nghe Podcast:

/uploads/Audio/News/2023/01/31/100856THÀNH PHẨM bai suc song moi o vung giap ranh.mp3

 

Nhiều năm qua, ranh giới mặn - ngọt cứ lấn sâu vào đất liền làm cho đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Nhưng năm nay, vùng đất nơi đây đã có nhiều thay đổi, khi nhiều mô hình, dự án được triển khai và phát huy hiệu quả. Cuộc sống người dân vùng đất cằn cỗi ngày nào giờ đã bước sang trang mới.

Đây là một trong những dự án quan trọng được thực hiện theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ.

Hướng đi mới

Trong một ngày đầu xuân mới, chúng tôi về thăm lại Hợp tác xã mãng cầu xiêm xã Thuận Hòa. Khu vườn của ông Trần Văn Quốc (Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ) nằm ven con lộ nhựa phẳng phiu. Trong vườn là những gốc mãng cầu to khỏe, thân cao tán rộng. Trên cành xum xuê trái căng mọng, hứa hẹn một vụ mùa tết bội thu. Ông Quốc là một trong 12 hộ dân tiên phong tham gia mô hình sinh kế trồng mãng cầu xiêm hồi năm 2020. Cột mốc này đánh dấu một bước tiến mới trong sản xuất. Khi tham gia mô hình, ông được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, phân hữu cơ, nhà kho và tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác.

Tâm sự với chúng tôi, ông Quốc chia sẻ hết sức chân tình: “Trên mảnh đất ông cha để lại, tôi luôn trăn trở làm sao để phát triển thật tốt cây mãng cầu, mang lại giá trị cao nhất. Đúng với ý nghĩa của 2 từ “sinh kế”, mô hình không chỉ cải thiện đời sống của người dân, mà còn đem lại những giá trị bền vững hơn. Từ sự hỗ trợ này giúp cho người nông dân bắt nhịp xu thế sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi áp dụng đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, giúp tôi tiết giảm chi phí sản xuất khoảng 40% so với phương thức canh tác truyền thống. Từ nền tảng ban đầu, hiện nay tôi đã xây dựng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP. Hợp tác xã mãng cầu xiêm Thuận Hòa cũng đã xây dựng thành công tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đầu ra được 1 doanh nghiệp uy tín bao tiêu”.

Khép lại câu chuyện với ông Quốc, chúng tôi tìm về vùng khóm ở xã Hỏa Tiến, nơi mô hình sinh kế khóm - thủy sản phát triển mạnh trong thời gian qua. Ven con đường dẫn vào khu vực trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, từng luống khóm xanh mơn mởn đã khoác lên tấm áo mới cho vùng đất bạc màu cằn cỗi ngày nào.

Trong một buổi chiều đầu đông, chúng tôi gặp lại lão nông Phạm Văn Diện đang lui cui thăm rẫy. Ông Diện phấn khởi chia sẻ, mô hình sinh kế đã mở ra hướng đi mới cho nông dân. Hơn 40 năm canh tác trên mảnh đất kế thừa từ cha ông để lại, ông luôn tâm đắc một điều là phải làm sao cho mảnh đất ngày càng màu mỡ, phì nhiêu. Tận dụng luôn mương vườn để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Diện phấn khởi báo với chúng tôi về tin vui: “Tới đây, thông qua tỉnh, một tổ chức nước ngoài sẽ hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi thí điểm khoảng 5ha khóm để sản xuất theo hướng hữu cơ. Tôi tâm đắc, tin tưởng vào các nhà khoa học trong vấn đề sử dụng phân vi sinh, hữu cơ cho đồng ruộng, giúp những dãy đất cằn cỗi trở nên màu mỡ. Nông dân rất mừng khi các chuyên gia, nhà khoa học đem về nhiều kỹ thuật tiến bộ trong canh tác hữu cơ, để nâng cao hiệu quả kinh tế. Và xa hơn là cải tạo để lại cho con cháu đời sau một dãy đất tốt lành, màu mỡ”.

Đây là 2 trong số 4 mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước, được thực hiện khi xây dựng dự án cống Cái Lớn - Cái Bé triển khai tại Hậu Giang. 4 mô hình thực hiện ở  thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đại diện cho ba vùng sinh thái nước mặn - ngọt - lợ, bao gồm: mô hình trồng mãng cầu xiêm; lúa - màu; khóm - thủy sản; lúa - tôm. Lồng ghép thực hiện các hoạt động phi công trình khác như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, thành lập và củng cố các tổ hợp tác sản xuất. Thông tin, tuyên truyền tổ chức hội thảo cho từng mô hình, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, các tư vấn tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Ông Trần Văn Quốc luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp để phát triển thật tốt cây mãng cầu xiêm, mang lại giá trị cao và bền vững.

Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi

Thăm đồng vào một ngày giáp tết, nhìn ruộng lúa chắc mẫy, to hạt, bên cạnh là rẫy khóm trái mọng ngả vàng chuẩn bị thu hoạch, lão nông Nguyễn Khắc Vũ, người dân ở huyện Long Mỹ, tự hào khoe: “Năm nay canh tác đạt năng suất, đón tết cũng khấm khá hơn. Tết này tôi trúng đậm chục công khóm và thu hoạch cá dưới mương, sau tết sẽ vào vụ thu hoạch rộ 30 công lúa Đông xuân. Thủy lợi được đầu tư, trong đó có dự án Cái Lớn - Cái Bé, sản xuất được bảo vệ, đời sống ngày càng vươn lên khá giả, sinh kế của người dân từ đó được cải thiện, bởi áp dụng được đa canh”.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là một trong những dự án quan trọng được thực hiện theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ. Dự án có hiệu quả trực tiếp, điều tiết nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc địa bàn 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoài phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cho phát triển nông nghiệp, công trình còn tạo điểm nhấn để phát triển du lịch.

Bên cạnh “lá chắn bảo vệ sản xuất” vòng ngoài là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, những năm qua, tỉnh Hậu Giang không ngừng đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Đó là các công trình cống, trạm bơm điện, hệ thống đê bao ngăn mặn bảo vệ vững chắc cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh có hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, tuyến đê bao Ô Môn - Xà No. Trên các tuyến đê kênh cấp III đã hình thành hệ thống bờ bao phân thành các ô khép kín từ 50ha đến 200ha đảm bảo phục vụ cho các mùa vụ sản xuất nông nghiệp trong năm. Ngoài ra, tỉnh còn có 1 hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy khoảng 50ha, đảm bảo nguồn cấp nước cho người dân huyện Vị Thủy và các vùng lân cận cũng như huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với hàng trăm ngàn hộ dân được hưởng lợi từ dự án. Có thể thấy, hạ tầng thủy lợi của tỉnh đã và đang đầu tư kết hợp với sự hoàn chỉnh của hệ thống thủy lợi hiện đại Cái Lớn - Cái Bé đã phát huy được lợi ích đến từng vùng đất, thửa ruộng.

 Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, bên cạnh đầu tư các công trình thủy lợi thì dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân cải thiện cuộc sống, ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đảm bảo điều kiện sinh kế tốt hơn cho các hộ dân trong vùng, nhằm thích ứng với điều kiện nguồn nước, biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai.

Đề án hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, xác định rõ, đến năm 2025 tỉnh tập trung đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Tổ chức điều tra, khảo sát hiện trạng hạ tầng các hệ thống thủy lợi. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; nâng cấp công cụ dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, chất lượng nước. Đến năm 2030, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, bảo đảm chủ động đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững và phục vụ dân sinh trong điều kiện nguồn nước không xuất hiện tình trạng cực đoan, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững...

 

KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>