Phát huy vai trò kinh tế tập thể

28/02/2023 | 18:22 GMT+7

Tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút thành viên tham gia là những điểm nổi bật hiện nay của mô hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Vị Thủy.

Ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy tích cực đồng hành cùng các HTX của địa phương nhằm chuyển giao quy trình sản xuất nông sản đạt chuẩn VietGAP.

Đẩy mạnh sản xuất theo chuẩn GAP

Mới đây, 46 nông dân là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, rất phấn khởi khi nhận giấy chứng nhận cho sản phẩm lúa của mình đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Qua đây, tạo hướng đi đột phá mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu nước ngoài; đồng thời làm tăng giá trị cho hạt lúa gạo.

Ông Trần Văn Việt, thành viên HTX Kiến Thành có 2ha lúa vừa được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, bộc bạch: “Thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện, ở vụ lúa Đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch, tôi và nhiều bà con trong HTX đã mạnh dạn áp dụng nghiêm ngặt các quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép của cơ quan chức năng, đồng thời thực hiện ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất từ khi xuống giống đến thu hoạch. Nhờ vậy, hiện có 100ha lúa của 46 hộ dân được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài niềm vui trên thì hiện công ty bao tiêu lúa cho bà con HTX còn thực hiện thu mua lúa đạt chuẩn VietGAP với giá cao hơn ít nhất là 300 đồng/kg so với giá thị trường vào ngày cắt lúa”.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành được thành lập vào năm 2011, với 17 thành viên ban đầu; sau nhiều năm hoạt động có hiệu quả nên số lượng thành viên tham gia vào HTX ngày một đông và hiện có 239 thành viên, với tổng diện tích lúa canh tác là 253ha. Ngoài diện tích lúa đã được chứng nhận VietGAP thì thông qua các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật được ngành nông nghiệp tỉnh, huyện triển khai nên hầu hết diện tích lúa còn lại của HTX Kiến Thành cũng được nông dân áp dụng tốt mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quy trình sản xuất lúa theo hướng bền vững (SRP)… Do đó, sản phẩm lúa gạo của HTX đảm bảo tính an toàn thực phẩm nên đang đáp ứng khá tốt theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Cùng chia sẻ lợi ích khi sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thông tin: “Điều quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nên sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là hướng đi cần thiết nhất. Ngoài tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng thì người sản xuất còn có thể tiết giảm khoảng 30% chi phí đầu vào, đồng thời giá trị sản phẩm có thể tăng từ 10-20% so với sản phẩm thông thường. Nhờ vậy, nông dân tăng được nguồn lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Từ những lợi ích trên mà hiện toàn bộ 11ha dưa hấu của HTX đều được bà con áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”. 

Ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật thì thời gian qua ngành chức năng tỉnh và huyện Vị Thủy còn có nhiều chính sách hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, giống, vật tư nông nghiệp,… để giúp thành viên trong mô hình KTTT của huyện Vị Thủy sản xuất đạt hiệu quả. Điển hình như tại HTX Kiến Thành, hiện HTX đã được đầu tư hệ thống đê bao khép kín gắn với trạm bơm; ở vụ lúa Đông xuân đang canh tác, thành viên HTX được hỗ trợ 50% giống và vật tư nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ 2 thiết bị bay để phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên HTX và bà con trong khu vực.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, cho hay: Một trong những yếu tố giúp HTX thu hút ngày càng đông thành viên tham gia vào HTX là các dịch vụ bơm tưới, phun thuốc bằng thiết bị không người lái đều rẻ hơn thị trường bên ngoài. Đặc biệt, bà con không lo đầu ra sản phẩm khi vào vụ thu hoạch lúa vì có công ty thực hiện ký hợp đồng bao tiêu. Tới đây, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP, đồng thời phấn đấu nâng lên chuẩn GlobalGAP để sản phẩm lúa gạo của HTX có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa gạo và nguồn thu nhập cho thành viên.

Nhiều chuyển biến tích cực    

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Mô hình KTTT trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy và UBND huyện cùng sự tham gia tích cực của các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong huyện. Nhờ vậy, mô hình KTTT của huyện hiện có nhiều bước chuyển biến tích cực trên các mặt.

Cụ thể, KTTT mà chủ công là các HTX đã phát huy vai trò thúc đẩy, tương trợ kinh tế hộ bằng việc gắn động lực phát triển kinh tế hộ vào các mô hình. Đồng thời, các HTX cũng phát huy được vai trò trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc các thành viên tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp tăng dần về số lượng và chất lượng, hoạt động ổn định, thu hút thêm nhiều thành viên mới. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã tổ chức được dịch vụ sản xuất kinh doanh, liên kết tốt với công ty, doanh nghiệp để ký kết tìm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của HTX.

Mặt khác, các tổ hợp tác (THT) và HTX trên địa bàn huyện Vị Thủy đang hoạt động đa dạng về ngành nghề, từng bước thích ứng với yêu cầu về chủng loại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ của xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống thành viên và người lao động, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội cho địa phương. Điển hình là HTX Tân Long, HTX Thuận Tiến, HTX Hai Huynh…

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết thêm: Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương trong huyện tiếp tục làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ để củng cố các HTX hoạt động hiệu quả; đồng thời lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới. Bên cạnh đó là tạo mọi điều kiện cho các tổ chức KTTT trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm giải quyết một phần về nhu cầu vốn cho HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, cũng như vận dụng các chính sách của nhà nước hỗ trợ cho HTX theo quy định.

Hiện toàn huyện Vị Thủy có 30 HTX, trong đó 27 HTX nông nghiệp và 3 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân một HTX là 300 triệu đồng; trong đó doanh thu của HTX đối với thành viên là 30 triệu đồng/6 tháng, lãi bình quân của HTX là 60 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là khoảng 40 triệu đồng/năm. Về THT, toàn huyện có 50 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời có tổng số 5 trang trại, trong đó 3 trang trại chăn nuôi heo và 2 trang trại nuôi thủy sản.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>