Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

11/08/2022 | 04:37 GMT+7

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, các chủ đầu tư, địa phương đang dồn sức tháo gỡ nhanh vướng mắc trên từng dự án để tăng khối lượng thực hiện.

Hậu Giang tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Nhiều khởi sắc

Theo UBND tỉnh, tổng Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh tính đến nay trên 3.443 tỉ đồng. Trong đó, vốn phân bổ chi tiết cho các dự án trên 3.150 tỉ đồng. Tổng khối lượng thực hiện khoảng 1.600 tỉ đồng, đạt 46,49% kế hoạch, cao hơn 3,99% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân đạt 45% kế hoạch vốn, cao hơn 2,94% so với cùng kỳ. Có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dù có tăng so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa cao.

Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt theo kế hoạch là do công tác chuẩn bị đầu tư, tuyển chọn tư vấn những tháng đầu năm mất nhiều thời gian. Một số dự án lớn sử dụng vốn Trung ương mới vào giai đoạn đấu thầu. Yếu tố khách quan ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân là những vướng mắc phát sinh ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư dự đoán tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 và tháng 9 sẽ có nhiều triển vọng, bởi hiện nay các chủ đầu tư, người đứng đầu địa phương đang vào cuộc quyết liệt. 10 tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công phát huy tốt vai trò, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Với những tín hiệu khả quan này, tình hình giải ngân vốn đầu tư công càng về cuối năm càng có nhiều khởi sắc.

Các chủ đầu tư đang tăng tốc khối lượng thi công các công trình, dự án để giải ngân vốn.

Để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt các mốc tiến độ đề ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các dự án. Quan tâm thực hiện tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Ngoài ra, các sở, ngành khẩn trương rà soát và tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai thực hiện các bước tiếp theo đối với 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa phận Hậu Giang).

Ưu tiên GPMB dự án trọng điểm

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt là chuẩn bị sớm, đầy đủ các thủ tục để triển khai GPMB ngay khi vừa có chủ trương đầu tư. Đến nay, công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và một số dự án giao thông lớn cơ bản đạt tiến độ đề ra.

Theo ông Phạm Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình thực hiện, ngành tài nguyên và môi trường cũng gặp phải một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ. Chủ yếu là một số hộ dân không đồng thuận dẫn đến khiếu nại kéo dài nên phần nào ảnh hưởng tới tiến độ.

Để giải ngân vốn đầu tư công đạt theo kế hoạch (đến ngày 31-1-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 phải đạt 100%; riêng kế hoạch vốn kéo dài, tới ngày 31-12-2022 phải giải ngân đạt 100%), ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các chủ đầu tư, UBND cấp huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đã và đang triển khai. Dồn sức thực hiện khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các huyện giải quyết ngay vướng mắc về mặt bằng đối với các dự án đang triển khai để chủ đầu tư đẩy nhanh khối lượng thực hiện và giải ngân vốn dứt điểm theo niên độ bố trí vốn năm 2022. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo triển khai các khu tái định cư trên địa bàn. Đối với những dự án tái định cư được UBND tỉnh trình HĐND cho chủ trương triển khai vào năm 2023 và những năm tiếp theo, phải hoàn thiện ngay các thủ tục đầu tư. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang đang trong quá trình kiểm đếm và thông báo thu hồi đất, do vậy đề nghị các huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm cơ sở lập dự án phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ được Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án và tiến độ giải ngân vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường bám sát tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Tập trung ưu tiên GPMB các dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đảm bảo theo kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; đồng thời ưu tiên bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án giao thông trọng điểm.

Càng khó khăn, càng nỗ lực

Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, công điện, văn bản về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đồng thời thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31-7-2022 mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, có 17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao khẳng định bài học quan trọng nhất là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân tốt, các địa phương giải ngân đạt tỷ lệ trên 50% và phê bình các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của cả nước. Thủ tướng nêu rõ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ khó. Tuy nhiên, càng khó khăn, càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; có biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc. Thủ tướng Chỉnh phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, tăng cường đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>