Người dân sản xuất trong trạng thái bình thường mới

13/10/2021 | 15:27 GMT+7

Sau hơn một tuần Hậu Giang áp dụng Chỉ thị 19, mọi hoạt động của người dân trong tỉnh đã từng bước được lập lại. Đi lại thuận lợi, qua đó còn giúp các hoạt động sản xuất của người dân từng bước được ổn định. Hàng hóa nông sản được tiêu thụ dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất. 

Nông dân tích cực sản xuất trong trạng thái bình thường mới để đạt các chỉ tiêu vào cuối năm. Ảnh: T.TRÚC

Tập trung khôi phục sản xuất

Gia đình anh Trương Minh Sang, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, trồng được hơn 300m rẫy dây gồm mướp và khổ qua, tổng sản lượng cả vụ hơn 4 tấn. Đến lứa thu hoạch hơn 1 tháng nay nhưng do ảnh hưởng bởi dịch không thể bán nên thiệt hại gần phân nửa. Khi nghe các quy định được nới lỏng, anh Sang đã tranh thủ thu hoạch số còn lại để bán, dù giá thấp nhưng hy vọng sẽ gỡ gạt lại ít chi phí đầu tư.

Thở một hơi dài trong tâm trạng buồn bã, anh anh Sang chia sẻ: “Từ khi xã được công nhận “vùng xanh” thì thương lái đi thu mua nông sản nhiều hơn so với lúc trước. Tuy nhiên, giá bán thì vẫn chưa có khởi sắc, như khổ qua hiện được thu mua chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, còn mướp chỉ được 2.000 đồng/kg, thấp gần phân nửa so với mọi năm. Vụ này vừa thiệt hại bởi dịch nên nông sản không bán được, vừa phải chịu chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá nông sản lại thấp, tính ra trồng rẫy năm nay không có lãi. Ở khu vực này ai cũng vậy chứ không riêng gì tôi”.

Hiện nay, các quy định phòng dịch được nới lỏng, việc đi lại thuận lợi hơn trước, từ đó cũng giúp cho các thương lái là người địa phương đến vườn thu mua nông sản cho bà con. Làm nghề thu mua chuối xiêm quanh năm, gần một tuần qua, ông Trần Văn Kiệt, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cũng đã chủ động liên hệ với các nhà vườn để thu mua chuối cho bà con. Hiện nay, trung bình mỗi ngày ông Kiệt thu mua khoảng 1 tấn chuối các loại đem ra điểm tập kết giao cho các thương lái lớn để lên xe chở đi cung ứng cho các chợ đầu mối. Theo ông Kiệt, những tháng qua bà con có nông sản liên hệ với mình nhưng không thể hỗ trợ được. Nên khi các quy định được nới lỏng gia đình đã tranh thủ đi thu mua, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản vừa giúp gia đình cải thiện thu nhập, chứ hơn hai tháng nghỉ dịch kinh tế gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Kiệt cho biết thêm: “Cũng nhờ có điểm tập kết, các thương lái nhỏ như tôi mới có điểm giao hàng thuận lợi và an toàn, từ đó mới dám đi mua nông sản cho bà con. Mặt khác, các thương lái ở thành phố xuống cũng an tâm vì có nơi để nhận hàng thuận lợi. Hiện nay, mặc dù tình hình đã được nới lỏng, nhưng bà con và đặc biệt là các thương lái khi giao nhận hàng tại các điểm tập kết đều nêu cao tinh thần cảnh giác và tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch”.

Cho biết thêm về việc đảm bảo phòng dịch tại các điểm tập kết hàng hóa, ông Lê Phước Tài, chủ bãi lên xuống hàng ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Hiện nay bãi mỗi ngày tiếp nhận và luân chuyển hơn 10 tấn hàng hóa và nông sản các loại. Tại bãi cũng phân công người nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch như các bạn hàng, thương lái thường là hộ gia đình hoặc người địa phương thì bắt buộc phải đeo khẩu trang, khi xe vào bãi phải quét mã QR, riêng tài xế giao nhận hàng phải ngồi trên xe suốt thời gian lên xuống hàng. Mình thực hiện nghiêm để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được hiệu quả”.

Vợ chồng anh Sang thu hoạch nông sản chuẩn bị giao cho thương lái. Ảnh: D.KHÁNH

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Theo thống kê, trong khoảng 20 ngày qua, từ khi các địa phương trong huyện được công nhận “vùng xanh” và các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 2.000 tấn nông sản các loại, bằng tổng sản lượng thu hoạch và tiêu thụ trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 cộng lại. Đặc biệt, nông sản được thu hoạch trong những ngày qua có đến 70% được vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, 30% được tiêu thụ tại địa phương. Nhiều loại nông sản trước đây tiêu thụ khó như trái cây, giờ cũng tiêu thụ ổn định với sản lượng từ 70-80 tấn mỗi ngày.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Nếu trong thời điểm giãn cách, nông sản đa phần đều khó bán. Nhưng từ khi áp dụng trạng thái bình thường mới thì tình hình tiêu thụ nông sản của huyện đã có bước khởi sắc rõ rệt, tăng hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là trong khoảng một tuần trở lại đây khi các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, hàng hóa nông sản của bà con đã được thu mua đều ở các địa phương, không còn tình trạng tồn đọng cục bộ ở một số nơi như trước đây. Trung bình hiện nay mỗi ngày toàn huyện thu hoạch khoảng 120 tấn nông sản các loại, tăng gần đôi so với thời điểm cách đây một tuần, chủ yếu là cam, chanh, chuối, khóm và các loại rau màu, rẫy dây. Riêng trái cây hai tuần qua đã tiêu thụ hơn 1.500 tấn các loại.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản, vật nuôi; thống kê đầy đủ sản lượng nông, thủy sản trên địa bàn và thời gian thu hoạch phù hợp cho từng giai đoạn để thực hiện kết nối, tiêu thụ. Thành lập các tổ, đội hỗ trợ nông dân thu hoạch, thu gom, vận chuyển nông sản. Khuyến khích các địa phương tổ chức các điểm tập kết, thu mua tập trung; có phương án vận chuyển phù hợp để đưa nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.

Hướng dẫn các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm hoạt động trở lại nhưng phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động hướng dẫn người dân điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động, thực vật tại các địa phương để có hướng xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh.

Tập trung chỉ đạo thắng lợi sản xuất vụ lúa Thu đông năm 2021, đảm bảo thu hoạch 100% diện tích đã xuống giống, năng suất, sản lượng đạt và vượt kế hoạch; chuẩn bị tốt điều kiện để xuống giống cho vụ Đông xuân 2021-2022. Tăng cường phát triển sản xuất ở các vùng rau màu chuyên canh có thị trường tiêu thụ ổn định. Tiếp tục hướng dẫn thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất, cung cầu các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã,... ký kết hợp đồng đảm bảo tiêu thụ nông sản.

Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm đã đề ra. Đồng thời, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để hỗ trợ các địa phương mở rộng sản xuất vượt kế hoạch của tỉnh đã giao, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất chủ yếu như chăn nuôi gia cầm, sản xuất rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa.

Thực tế cho thấy, các quy định được nới lỏng đã giúp cho lĩnh vực sản xuất có bước phục hồi, hàng hóa nông sản được mua bán dễ dàng, để mỗi người dân từng bước cải thiện kinh tế gia đình. Từ đó, người dân, các địa phương có điều kiện hơn để cùng ra sức thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>