Mở lối cho ngành thủy sản

18/09/2023 | 09:14 GMT+7

Bài 3: Dồn sức gỡ khó cho ngành thủy sản

Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa được xem là “chìa khóa vàng” để ngành thủy sản vượt qua những khó khăn trước mắt, từng bước khôi phục và phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật mà chất lượng tôm của nông dân không ngừng nâng lên.

Tăng cường liên kết

Trong bối cảnh mới như hiện nay thì việc liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm đủ về số lượng lẫn chất lượng mà thị trường cần là điều cần thiết. Đồng thời, áp dụng các giải pháp đồng bộ để kéo giảm chi phí sản xuất đang là yếu tố sống còn của ngành thủy sản. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Diện tích ao nuôi cá tra của địa phương khoảng 70-100ha. Hiện nay, tỉnh không có chủ trương mở rộng. Với diện tích hiện hữu, Sở NN&PTNT khuyến cáo ở những hộ, HTX có đủ điều kiện tiếp tục duy trì, phát triển nuôi cá tra trong mùa vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, nông dân nên lựa chọn thời điểm phù hợp để thả nuôi.

“Chúng tôi chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân có những mã số vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, thường xuyên mời gọi doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất. Cá tra tỷ trọng lớn, giá trị cao nên nếu có hợp đồng đầu ra, bao tiêu sản phẩm tốt thì sẽ giải quyết được bài toán về lĩnh vực sản xuất”, ông Ngô Minh Long chia sẻ.

Còn tại thành phố Cần Thơ, để giúp doanh nghiệp và người nuôi thủy sản vượt qua khó khăn, ngành chức năng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thủy sản. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết Cần Thơ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay, vượt qua khó khăn ổn định sản xuất.

“Chúng ta phải quản lý tốt điều kiện nuôi trồng thủy sản, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất phụ gia… Muốn vượt qua cảnh khó khăn này, chúng ta phải liên kết với nhau, phải phối hợp giữa người nuôi trồng với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, nhìn nhận: Để nuôi được thành công, thị trường là yếu tố quyết định. Theo dõi rất nhiều năm, chúng tôi nhận thấy giữa người sản xuất; cung ứng vật tư, con giống; đơn vị thu mua; chế biến thủy sản xuất khẩu chưa ngồi chung nhau được.

“Không ngồi chung được thì không giải quyết được, kể cả khâu giảm chi phí cho sản xuất cũng không giảm được. Tôi đề nghị ai là người nhạc trưởng trong vấn đề này, Bộ NN&PTNT làm, hay Cục Thủy sản làm hay Cục nào? Chỗ này, Bộ cũng phân ra để ngồi lại bàn giải pháp căn cơ, vì bản thân các tỉnh cũng không làm được”, ông Quảng Trọng Thao đề xuất.

Trong tổ chức sản xuất phải làm sao giảm giá thành, dẫn chứng về việc này, ông Thao đưa ra ví dụ giảm tỷ lệ hao hụt, trong đó có yếu tố môi trường, dự báo môi trường, quản lý chặt chất lượng con giống. Thời gian qua, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, do vậy cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, có quy định rõ trách nhiệm, địa phương sẽ căn cứ xây dựng hệ thống quan trắc, tổ chức quan trắc, tất cả thông tin được chia sẻ với nhau. Về chất lượng con giống, thời gian qua được quan tâm nhiều, từng bước điều chỉnh lại… Nhu cầu sản xuất con giống ở nhu cầu nào là vừa, chất lượng ra sao để tính toán, điều hòa cho cả nước.

Tại Bạc Liêu, thống kê của ngành chức năng, 8 tháng đầu năm, riêng diện tích thả giống đạt khoảng 94%, tương đương thả được 138.000ha/142.000ha kế hoạch năm 2023. Riêng siêu thâm canh, công nghệ cao, dự kiến năm 2023 của tỉnh Bạc Liêu khoảng 4.700ha, 8 tháng đầu năm đã thả được 4.900ha. Về sản lượng tôm nuôi 8 tháng đầu năm đạt 135.000 tấn. Vấn đề vực dậy cho ngành thủy sản cũng được địa phương này đặc biệt quan tâm.

Chuyên nghiệp hóa vùng nuôi

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho hay nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, người nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Xuân phân tích: “Về vấn đề xét nghiệm, khi tôm bán cho thương lái phải đảm bảo kháng sinh với màu tôm. Nhưng hiện nay, các thương lái khi thu mẫu tôm, trả kết quả thì họ chỉ nói tôm không đạt, tôm dính kháng sinh nhưng người nuôi không biết ai xét nghiệm? Xét nghiệm ở đâu? Ai là người chỉ định cho đơn vị này? Ngoài ra, chi phí về điện và nhân công cũng nên quan tâm, đặc biệt nhân công nghề nuôi trồng thủy sản nói chung ngày càng khó tìm”.

Còn về cá tra, ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, nêu quan điểm: Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, hiện nay đã cấp mã số nhận diện, Hiệp hội đã làm truy xuất nguồn gốc qua các bản đồ và kiến nghị với Cục Thủy sản để quản lý từ việc cấp bản đồ này. Đầu tiên ở vùng nuôi, con giống đến các cơ sở sản xuất thức ăn và thuốc. Đây là nền tảng để giúp cơ quan quản lý nắm được tình hình người nuôi và việc truy xuất nguồn gốc của thị trường.

Cũng theo ông Phong, việc xử lý, giảm phát thải trong chăn nuôi và chế biến cá tra đúng là rất khó nhưng phải quyết tâm thực hiện. Hiệp hội đang làm việc với các doanh nghiệp để có mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời, để tiết kiệm phát thải. Sử dụng mô hình xử lý nước thải mà đảm bảo tiết kiệm điện và hiệu quả xử lý tốt để làm sao nguồn nước thải đưa ra bên ngoài đảm bảo được các tiêu chuẩn và tái tạo sử dụng được.

“Về tiêu thụ, Hiệp hội cũng nhắm đến việc tiêu thụ trong nước. Quan điểm không phải cố gắng tiêu thụ càng nhiều càng tốt, mà làm sao xây dựng được những kênh quảng bá, truyền thông để tăng giá trị hình ảnh cá tra trong nước, thay đổi cách nhìn, niềm tin của người dân trong nước về cá tra”, ông Trần Thanh Phong bày tỏ.

Còn riêng với ngành tôm, Cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc... Còn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

-----------------

Bài 4: Chủ động nắm bắt cơ hội khi thị trường dần phục hồi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>