Mất an toàn khi thả diều gần đường dây điện

08/03/2023 | 09:24 GMT+7

Thả diều không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ, học sinh, mà còn thỏa đam mê của người lớn. Tuy nhiên, việc thả diều gần đường dây điện, trạm biến áp tiềm ẩn hiểm họa khó lường.

Ngành điện kiểm tra định kỳ lưới điện 110kV.

Nỗi bất an

Thời điểm này, không khó để bắt gặp hình ảnh những con diều đủ màu sắc, kích cỡ bay lượn trên bầu trời, bởi thả diều là trò chơi hấp dẫn được nhiều người dân yêu thích, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Chỉ cần từ 20.000-50.000 đồng đã có một con diều bắt mắt với đủ hình dáng, màu sắc, kích cỡ. Tuy nhiên, hiện nay việc thả diều trong khu dân cư, trên đường giao thông hay gần lưới điện, trạm điện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây tai nạn không những cho những người thả diều mà còn cả người tham gia giao thông.

Điều kiện chơi thả diều là phải ở nơi trống trải, ít cây cối, nhà cửa vì có gió mạnh và diều không bị vướng các vật cản, đứt dây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiều người đã “liều lĩnh” chơi thả diều ở ngay cả những nơi gần đường dây điện, trạm điện. Thực tế cho thấy, trong cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp khi diều mắc vào đường dây điện, người dân trèo lên cột điện gỡ diều, bị điện giật hoặc bị bỏng do phóng điện dẫn đến tử vong, hoặc thương tích rất nặng. Đặc biệt, với những dây diều bằng kim loại, khi chạm vào dây điện, người chơi sẽ bị giật điện, rất nguy hiểm. Ngoài ra, diều vướng vào đường dây điện, trạm điện gây sự cố lưới điện cũng làm thiệt hại lớn cho ngành điện và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Anh Trần Ngọc Lâm, ở thành phố Vị Thanh, nêu ý kiến: “Người lớn phải quản lý và nhắc nhở con em mình thả diều đúng nơi quy định, chứ để vậy quá nguy hiểm. Nếu có thả diều phải chọn thả diều ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và mọi người”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo Công ty Điện lực Hậu Giang, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có nhiều trường hợp thả diều, vật bay gần đường dây điện và trạm điện có nguy cơ gây sự cố lưới điện, tai nạn điện, làm mất điện trên diện rộng ảnh hưởng quá trình sinh hoạt, sản xuất trong Nhân dân.

Ông Lâm Quang Lợi, Giám đốc Điện lực thành phố Vị Thanh, cho biết: Để hạn chế tình trạng thả diều vướng vào đường dây điện, trạm điện, ngay từ đầu năm Điện lực thành phố Vị Thanh đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, bố trí biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí xung quanh lưới điện, trạm điện. Tăng cường kiểm tra các tuyến đường dây để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo nguy hiểm; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra nhắc nhở, vận động người dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, các tuyến đường dây, trạm điện.

Ông Trương Thế Anh, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Hậu Giang, thông tin: Nhằm tăng cường bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân; đảm bảo việc cung cấp điện được liên tục, an toàn và đề phòng xảy ra tai nạn điện, người dân không được thả diều, vật bay gần đường dây điện, trạm điện và ở những nơi có lưới điện đi qua. Những hộ gia đình có con, em đi thả diều, vật bay nên nhắc nhở con, em mình không được thả diều, vật bay gần đường dây điện, trạm điện. Khi thả diều, vật bay phải cách xa đường dây điện, trạm điện và kể cả khoảng cách diều, vật bay rơi cũng không được chạm vào đường dây điện, trạm điện.

Công ty Điện lực Hậu Giang cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không thả diều, vật bay gần đường dây điện, trạm điện. Đặc biệt, người dân không được tự ý trèo lên trụ điện, mà phải báo ngay cho đơn vị quản lý vận hành để phối hợp xử lý, tránh nguy cơ tai nạn do vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cao áp.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong năm 2022, tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã xảy ra 360 vụ sự cố lưới điện. Trong đó có 49 vụ sự cố gây ra tai nạn phóng điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, làm 12 người chết và 45 người bị thương. Trong đó, thả diều, chặt tỉa cây xanh, dựng giàn giáo, biển quảng cáo… dẫn đến các vụ chập chạm, phóng điện trên đường dây là lỗi phổ biến trong các vụ tai nạn điện. Bên cạnh đó, các hành động can thiệp vào đường dây điện, trạm điện khi diều bị vướng như dùng gậy, đá bắn hay dùng sào, gậy móc vào dây điện để lấy diều xuống khiến nguy cơ bị điện giật và gây sự cố mất điện của toàn tuyến, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Qua thống kê cho thấy nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân xuất phát từ thói quen, cũng như sự nhận thức của một số người dân chưa cao khi tự ý trèo lên trụ điện, trạm điện; thả diều vướng vào đường dây; lắp đặt các loại biển hiệu, quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang lưới điện,… Từ đó, làm mất an toàn hệ thống điện, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Để thả diều, thú chơi lành mạnh không còn là mối lo thì điều quan trọng nhất là người chơi cần tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các vụ việc thả diều gây sự cố cho lưới điện.

Theo Khoản 18, Điều 2 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ thì thả diều hoặc bất cứ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>