Kỳ vọng điện sinh khối từ vỏ trấu

25/03/2024 | 08:21 GMT+7

Điện sinh khối là lĩnh vực còn khá mới mẻ và giàu tiềm năng, vì vậy, nhà máy điện sinh khối đang xây dựng tại tỉnh được kỳ vọng sẽ mở ra bước tiến mới, tạo ra nguồn năng lượng sạch, bền vững từ nguồn vỏ trấu dồi dào.

Với sản lượng lúa lớn, Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL đang có nguồn cung trấu dồi dào.

Nguyên liệu dồi dào

Lâu nay, vỏ trấu sau khi xay xát sẽ thường được bà con dùng làm nhiên liệu đốt trực tiếp. Mấy năm gần đây, vỏ trấu còn được làm thành củi, làm viên nén, hoặc chế tạo thành các tấm ép phục vụ xây dựng và trang trí nội thất. Nhưng số lượng trấu được dùng chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với khối lượng trấu thải ra mỗi năm.

Tiềm năng đối với phế phẩm này là rất lớn. Thay vì đốt hay bỏ đi thì gần đây vỏ trấu còn được nghiên cứu ứng dụng tạo ra điện sinh khối. Điện sinh khối là việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển. Tính toán của các nhà khoa học, cứ 5kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn, mỗi năm Việt Nam có thể thu được hàng trăm MW điện.

Theo quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng ĐBSCL của Bộ Công thương, tiềm năng điện sinh khối tại tỉnh Hậu Giang khoảng 60MW. Trong đó, điện trấu 30MW, rơm rạ 10MW, bã mía 20MW. Trên cơ sở đó, Hậu Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện sinh khối.

Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang có quy mô công suất 2x10MW, được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, với quy mô sử dụng đất trên 10ha. Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa các-bon thân thiện với môi trường. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy điện sinh khối hòa lưới, sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam, góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Nhiều lợi ích

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện sinh khối Erex cho biết, Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến và mô hình của nhà máy điện sinh khối Nhật Bản. Với bề dày kinh nghiệm xây dựng nhà máy và hoạt động trong lĩnh vực này nên tỉnh hoàn toàn có thể an tâm. Nhà máy tại Hậu Giang hiện đang được xây dựng đúng với lộ trình mà Tập đoàn cam kết với tỉnh trước đây, với kế hoạch hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý IV/2024.

Nhà máy tại Hậu Giang với nguồn nguyên liệu đầu vào dự kiến là sẽ dùng các vỏ trấu để đốt phát điện. Ngoài ra, Tập đoàn cũng mong muốn làm việc với các sở, ngành liên quan tại địa phương để có thể tìm kiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu sinh khối mới để sử dụng cho nhà máy điện sinh khối tại Hậu Giang và các nhà máy mà Tập đoàn sẽ xây dựng trong tương lai.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hậu Giang có các phụ phẩm có khả năng làm chất đốt cho nhà máy được. Trước hết là các cây rừng (sao, dầu, bằng lăng, tràm...) với sản lượng khoảng 25.000-27.000m3/năm. Với sản lượng này thêm nguồn có thể làm chất đốt cho nhà máy. Đối tượng thứ hai là cây lúa, tổng diện tích khoảng 177.800ha, sản lượng phụ phẩm 1,4 triệu tấn. Trong đó có rơm khoảng 711.000 tấn, gốc rạ khoảng 474.000 tấn, vỏ trấu 237.000 tấn.

“Chúng tôi có mong muốn phía công ty nghiên cứu làm sao thu hồi rơm, gốc rạ để tăng cường chất đốt cho nhà máy. Vì hiện nay mình làm từ vỏ trấu nhưng vỏ trấu khó thu mua. Gốc rạ, rơm thì sản lượng rất là lớn nhưng đa phần là đốt bỏ thì rất lãng phí”, ông Ngô Minh Long đề xuất.

  1. theo ông Long, tỉnh cũng có một số phụ phẩm khác có thể nghiên cứu áp dụng như nhóm về rau màu, diện tích khoảng 29.000ha, phụ phẩm khoảng 68.000 tấn. Cây mía, khoảng 3.286ha, khoảng 220.000 tấn phụ phẩm/năm. Các loại cây ăn trái khoảng 45.800ha, phụ phẩm khoảng 45.000 tấn/năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết dự án có ý nghĩa lớn với tỉnh. Dự án sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trên địa bàn, cụ thể là trấu. Đây là dự án sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Với công nghệ như thế này, khi sử dụng sẽ đảm bảo được môi trường. Nếu trấu để bà con đốt bên ngoài vừa không có thu nhập vừa ảnh hưởng môi trường.

“Chúng tôi đánh giá rất là cao ý nghĩa của dự án này. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết cả lao động trực tiếp và gián tiếp, kể cả những lao động liên quan đến thu mua, các lao động trực tiếp tại nhà máy. Và đóng góp một phần ngân sách đối với thị xã Long Mỹ cũng như địa bàn tỉnh Hậu Giang. Cùng với đó, dự án đi vào vận hành và cung cấp điện sẽ giải quyết một phần điện cho nhu cầu trên địa bàn, đóng góp vào lưới điện quốc gia, cung cấp cho trên 90.000 hộ dân sử dụng điện. Hy vọng dự án sẽ vận hành đúng tiến độ, đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư và tỉnh Hậu Giang”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>