Khởi sắc ngành hàng lúa gạo

16/11/2023 | 08:49 GMT+7

Giá lúa liên tục tăng từ đầu tháng 11 đến nay giúp người trồng lúa thêm phấn khởi khi vượt mốc trên 9.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Còn xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều kết quả ấn tượng, khả năng sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm nay.

Ngành lúa gạo đang khởi sắc khi giá cả, thị trường đầu ra thuận lợi.

Nhiều kết quả ấn tượng

10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn.

Những ngày qua, giá lúa ở khu vực ĐBSCL dao động ở mức từ 8.800-9.200 đồng/kg tùy loại giống. Còn giá gạo trên thị trường cũng tăng vài trăm đồng/kg so với tuần trước. Tính đến thời điểm này nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được khoảng 25.000ha lúa Thu đông, ước năng suất bình quân đạt 5,58 tấn/ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, do còn những diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch nên nông dân cần tiếp tục chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại. Đối với các trà lúa giai đoạn đòng trổ cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt giai đoạn trước và sau khi trổ đều. Đối với nông dân sau khi thu hoạch lúa xong tranh thủ lúc thời gian nhàn rỗi thu gom trứng và diệt ốc bươu vàng; đồng thời tổ chức các phong trào diệt chuột cộng đồng để khống chế sự sinh sôi phát tán gây hại, bảo vệ hiệu quả sản xuất lúa Thu đông đang có giá khá cao và vụ Đông xuân chuẩn bị gieo sạ tới đây để đảm bảo sản lượng lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu đang khởi sắc.

Giá lúa tăng cao, nông dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho hay: “Giá lúa ở mức cao nên nông dân vùng này đang tích cực dọn đất để chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân theo lịch khuyến cáo. Hầu hết nông dân đều sử dụng giống lúa chất lượng cao khi gieo sạ như OM 5451, Đài Thơm 8, RVT, ST… Kỳ vọng giá lúa sẽ còn giữ ở mức cao trong thời gian tới để người trồng lúa có nguồn lợi nhuận hấp dẫn”.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng trong giai đoạn vừa rồi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo là một điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu gạo của các nước, trong đó có Việt Nam. Đến thời điểm này Việt Nam đã đảm bảo được kế hoạch sản xuất khoảng 7,1 triệu héc-ta, sản lượng trên 43 triệu tấn lúa. Đó là điều kiện rất thuận lợi cho ngành lúa gạo cũng như thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Với tình hình thực tiễn như hiện nay, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương luôn bám sát tình hình thế giới để có thông tin cập nhật cho doanh nghiệp cũng như bám sát tình hình thực tế sản xuất, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với địa phương chỉ đạo một cách quyết liệt để đảm bảo tình hình sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Trong từng giai đoạn, từng thời gian cụ thể, Bộ luôn cập nhật về tình hình nguồn cung theo tuần, tháng, đặc biệt khi có yêu cầu của doanh nghiệp, để đảm bảo công tác điều hành, cân đối đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Có thể nói rằng trong thời gian vừa qua chúng ta tranh thủ, tận dụng được thời cơ phát triển và nâng cao giá trị gạo Việt Nam.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Công ty CP Nông sản Lộc Trời (LTA) hiện là đơn vị cung ứng gạo lớn nhất Việt Nam, với 10 nhà máy tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đủ năng lực cung cấp trên 2 triệu tấn gạo hàng năm cùng hơn 1 triệu tấn phụ phẩm như tấm, cám, trấu, trấu viên, tro trấu,… cho thị trường trong nước và quốc tế. LTA ký kết với các đối tác trong nước và ngoài nước như Hopestone Group Pte Ltd, Quan Yi Agri Group Limited để xuất khẩu trực tiếp trên 100.000 tấn gạo và cấp hàng cho hàng loạt các đối tác xuất khẩu khác. Bên cạnh đó, Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000ha và nhiều ký kết khác với địa phương để liên kết sản xuất trực tiếp với bà con nông dân và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao có thể cung ứng 5 triệu tấn lúa mỗi năm.

Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm nỗi lo

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất và thương mại gạo toàn cầu có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, sau dịch Covid-19, xung đột chính trị đã và đang diễn ra tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do ảnh hưởng tình hình thời tiết nên sản xuất hàng hóa nói chung, trong đó có ngành hàng lúa gạo nói riêng; giá cả vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng, nguồn cung ngày càng thu hẹp, gián tiếp dẫn đến một số quốc gia phải thay đổi chính sách sản xuất, xuất nhập khẩu lương thực để kịp thời thích ứng với tình hình. Giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến an ninh lương thực. Đây là những nhân tố chính tác động đến tình hình sản xuất lúa gạo và thị trường thương mại gạo toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ, bởi các tác động đó. Trước tình hình này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong chuỗi sản xuất và định hướng thị trường ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, khi giá lúa tăng cao thì mừng cho nông dân vì tăng được thu nhập, tuy nhiên cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp cũng khó khăn vì không lấy được hàng như đã cam kết. Trong thách thức luôn có cơ hội, nếu doanh nghiệp nhạy bén sẽ có cơ hội kinh doanh mới. Ngành lúa gạo năm nay đạt kỳ tích đáng mừng, nhưng thời điểm này các doanh nghiệp và nhà máy cũng không dám trữ hàng vì khi giá rớt lại thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các đơn vị trong chuỗi ngành hàng lúa gạo đã phối hợp, đồng hành cùng các sở, ngành, địa phương và bà con nông dân triển khai các giải pháp và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định tình hình thời gian tới các yếu tố ảnh hưởng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến sản xuất, chế biến, hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Nhằm góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì cần có sự liên kết thông qua chuỗi giá trị.

Theo Cục Trồng trọt, việc sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, trong đó có lúa gạo mang tính chất thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế nên phải có những định hướng, dự báo tiêu dùng, tiêu thụ, thị hiếu của người dân để phát triển. Chính vì vậy mà nhiều năm trước đây, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu chọn tạo các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao và chất lượng tốt nên bây giờ chúng ta có bộ giống lúa đứng hàng đầu khu vực. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thế giới và nội địa, làm tăng giá trị hạt gạo Việt Nam vừa qua. Đây là một định hướng đúng đắn có tầm nhìn từ vấn đề khoa học công nghệ, chỉ đạo sản xuất, cũng như quản lý nhà nước trong ngành hàng lúa gạo.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>