Hợp tác cùng phát triển

04/10/2022 | 18:59 GMT+7

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang đã và đang thực hiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực và bước đầu đã mang lại những kết quả khởi sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang thực hiện ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với 12 lĩnh vực chuyên ngành.

Những kết quả ấn tượng

Từ năm 2006, người đứng đầu UBND hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương và đến nay chương trình đang mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Trước tiên là trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành chức năng có liên quan của hai tỉnh tổ chức làm đầu mối và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu và thu mua nhiều sản phẩm nông nghiệp như: thủy sản, khóm, mía, nấm rơm… Ngoài ra, cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp 2 tỉnh còn thường xuyên trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm trong xây dựng mô hình sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong mô hình nuôi thủy sản (cá thát lát), nuôi bò từ dự án HEIFER, sản xuất và cung ứng lúa giống chất lượng cao, cũng như phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm…

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, ngành chức năng hai địa phương đã phối hợp và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quản lý, điều hành và xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, phương pháp phát triển mới, kỹ năng quản lý, củng cố, nâng chất HTX. 

Song hành với nông nghiệp thì lĩnh vực giao thông cũng ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng trong công tác phối hợp giữa hai địa phương. Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, cho biết: Kiên Giang và Hậu Giang được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 61, trong đó cầu Cái Tư hoàn thành nối liền huyện Gò Quao với tỉnh Hậu Giang đã xóa điểm vượt sông bằng phà cho người dân. Ngoài ra, ngành chức năng hai địa phương còn vận động Nhân dân cùng Nhà nước đầu tư tuyến lộ nối liền các huyện giáp ranh như: tuyến Gò Quao - Cầu Đúc qua thành phố Vị Thanh, tuyến Tân Hiệp - Giồng Riềng đi thành phố Vị Thanh đã giúp người dân hai tỉnh đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa được thuận lợi, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế hai địa phương ngày càng phát triển.

Ngoài những điểm nhấn trên thì thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã đầu tư hoàn chỉnh tuyến Đường tỉnh 962, 963 để kết nối với các tuyến đường tỉnh của Hậu Giang, nổi bật là nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên huyện đoạn xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao) đi xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Đồng thời, hợp tác triển khai xây dựng cầu Ba Voi, cầu Hai Phi thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang); qua đây đã giải quyết được điểm nghẽn về tình trạng không đồng bộ tải trọng trên các tuyến đường, từ đó tạo thuận lợi trong lưu thông giữa 2 tỉnh.

Cùng chia sẻ thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ hợp tác, bà Võ Thị Mỹ Trang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, thông tin: Thời gian qua, hai đơn vị của Hậu Giang và Kiên Giang thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm, nhất là những ngành nghề đang thu hút lao động, từ đó đã góp phần giải quyết tốt vấn đề về nhu cầu việc làm cho lao động ở hai tỉnh. Ngoài ra, hai đơn vị còn hợp tác trong thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam - dioxin, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hai đơn vị phối hợp tổ chức hỗ trợ phẫu thuật cho 20 em bị bệnh tim bẩm sinh, với số tiền 1,2 tỉ đồng…

Ngoài những lĩnh vực trên thì ngành chức năng có liên quan giữa hai tỉnh còn phối hợp chặt trong việc chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, cũng như tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ, triển lãm; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, thực hiện hợp tác trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và hợp tác phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh với số lượng hơn 400 học sinh tham gia cho từng năm học. Đồng thời phối hợp, trao đổi thông tin về thực hiện và quản lý đề tài, dự án khoa học; đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực y tế; thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các giải thể thao để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cũng như giới thiệu các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giữa hai địa phương…

Theo đánh giá của lãnh đạo hai tỉnh thì mặc dù chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Kiên Giang và Hậu Giang trong thời gian qua đã mang về nhiều kết quả ấn tượng; tuy nhiên, qua rà soát thì giữa hai địa phương vẫn còn một số mặt chưa làm được. Điển hình là hai địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tốt việc quản lý và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, hợp tác phát triển cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; thực hiện chưa đạt hiệu quả trong đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng, cũng như hỗ trợ nhau trong vận tải hành khách; có hợp tác nhưng chưa đồng bộ và còn mang tính tự phát theo nhu cầu về lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội…

Ngành chức năng có liên quan của hai tỉnh đã làm đầu mối và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu và thu mua nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có khóm Cầu Đúc của Hậu Giang.

Nhiều mục tiêu mới

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, đồng thời sớm khắc phục những mặt chưa làm được, lãnh đạo hai địa phương thống nhất tiếp tục nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực mang tính thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, người đứng đầu UBND hai tỉnh đã thống nhất ký kết bản thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 12 lĩnh vực chuyên ngành, gồm: công nghiệp; thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý hạ tầng đô thị, giao thông, tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; văn hóa - thể thao - du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; xúc tiến đầu tư, thương mại; quốc phòng - an ninh. Trong đó, trọng tâm của chương trình hợp tác trong giai đoạn này là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các vùng lân cận, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư liên tỉnh, liên vùng; phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh.

Ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Với truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, chương trình hợp tác giai đoạn tới sẽ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của 2 bên, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Kiên Giang, Hậu Giang ngày càng phát triển. Đồng thời, mang lại cho Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của 2 địa phương điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Trên cơ sở đã ký kết trong bản thỏa thuận hợp tác chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo hai tỉnh giao Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác của hai địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đã ký kết đến các sở, ban, ngành, cùng Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp của từng địa phương. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của hai địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể và ký kết thực hiện, trong đó định kỳ (6 tháng) có báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện lên Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác, trình UBND hai địa phương. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư của hai địa phương có sự phối hợp tổ chức họp sơ kết luân phiên định kỳ hàng năm để đánh giá, điều chỉnh, bổ sung và khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật trong việc triển khai chương trình hợp tác giữa hai tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực; tin rằng, mối quan hệ hợp tác, láng giềng giữa Kiên Giang và Hậu Giang sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới, góp phần đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân hai tỉnh ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>