Hậu Giang bứt phá vươn lên từ Nghị quyết “bốn trụ cột”

30/09/2022 | 15:52 GMT+7

Bài 4: ĐỂ DU LỊCH HẬU GIANG “CẤT CÁNH”

Hậu Giang đang có nhiều tiềm năng du lịch mà hiếm tỉnh, thành nào có được. Thế nhưng, điều quan trọng là phải “đánh thức” bằng những hành động cụ thể, để tiềm năng không mãi ngủ quên…

Ngã Bảy - nơi nổi tiếng với “tình anh bán chiếu”.

Du lịch từ làng nghề

Xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, từ lâu được xem là cái nôi của nghề đan mê bồ truyền thống ở tỉnh. Đến nhà chị Đỗ Thị Lẹ, khi chị đang chẻ trút để đương tấm mê bồ, kịp giao cho khách. Vừa làm, chị vừa nói, một cây trúc cong thì chẽ được 7 hoặc 8 miếng. Chị tự chẻ, tụ vót từ cây trúc đến lúc thành nan để đan mê bồ. Bí quyết là trúc mua đem về đừng phơi khô vì se khó chẻ nan. Cứ khoảng 30 cây trúc nhỏ lớn thì đan được 1 miếng mê bồ chiều dài 6,8m, ngang 1,1m.

Nói về thời ăn nên làm ra, khoảng 20 năm trước, chị Đỗ Thị Lẹ cho biết: “Bây giờ có ai dí lúa đâu, nhà tường, nói chung chỉ có công trình với người ta tấn mé với phần bây giờ bà con người ta ít ít cái người ta bỏ nghề, người ta không có làm nữa, hồi đó nguyên cái xóm này làm luôn đó”.

Để hiểu thêm về bức tranh ở các làng nghề, chúng toi tìm về làng trầu Vị Thủy, nơi được tỉnh đã công nhận 2020 là nghề truyền thống vườn trầu ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Vườn trầu không tính theo diện tích mà tính theo nọc, cứ 2.000 nọc là khoảng 10 công ruộng, nhà nao ít thì trồng vài trăm, nhiều hơn thì lên đến hàng ngàn nọc. Ở xã nông thôn mới này, trầu là cây trồng chủ lực chiếm khoảng 30 ha tập trung chủ yếu ở ấp 5, 7 và 8 với khoảng 200 hộ theo nghề.

Theo lời người dân địa phương, chúng tôi tìm gặp bà Phan Thị Năm, mọi người thường gọi là bà Năm Đỉnh, người có công gây giống trầu trên vùng đất này. Trồng trầu từ thuở đôi mươi, nay đã sang hàng tám, bà Năm vẫn một lòng thủy chung với loại cay này. Hơn 50 năm qua, cây trầu cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ nghề bởi nhờ trồng trầu mà bà nuôi con khôn lớn và cất được nhà tường.

Chia sẻ về cơ duyên với lá trầu, bà Năm chia sẻ: “Vào khoảng năm 1960 tôi mua có 1 nọc trầu, mua nọc trầu đầu tiên là 1 táu lúa, trồng ra được 3 nọc, 3 nọc tới năm sau cái gây ra được 9 nọc, qua năm sau được 30 nọc, rồi lần lần trồng hoài, sống có nhiêu đó”.

Nghề trầu tuy không giàu có nhưng cuộc sống ổn định, ai gắn bó với nghề thì sẽ xem đó như là duyên nghiệp, khi đã bén duyên thì mãi bền chặt, thủy chung. Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận năm 2019 với 145 hộ, tổng số hơn 204.800 nọc trầu. Nhằm đa dạng thị trường đầu ra cho lá trầu, trong thời gian tới, HTX Trầu Vàng Vị Thủy còn tìm đến một số đơn vị nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ trầu, làm thuốc trị bệnh hay dùng làm thuốc phòng trị sâu bệnh trên rau màu..., phát triển vườn trầu trở thành điểm du lịch. Nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều hộ đang gắn bó với nghề truyền thống này.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng, xã Vị Thủy, cho biết: “Cũng muốn làm theo hướng du lịch cộng đồng ở đây bà con mong chờ. Chú kỳ vọng Covid-19 qua đi, bà con an tâm sản xuất, đầu ra ổn định”.

Nghề trồng trầu đã bén duyên cùng người dân xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, hơn 50 năm và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.

Nhiều tiềm năng

Hau Giang, hiện có 1 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận. Tuy còn khá khiêm tốn, nhưng tiềm năng về du lịch của tỉnh rất lớn. Hậu Giang là trung tâm của Tây Nam bộ, kênh rạch chằng chịt, là tỉnh đặc trưng nông nghiệp, bạt ngàn đồng ruộng và vườn cây trái. Kênh xáng Xà No, con đường lúa gạo của Tây Nam Bộ hoàn thành năm 1903, dài gần 40km. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, diện tích 2.800 ha, hệ động thực vật phong phú, đa dạng sinh học, được xem là “mỏ vàng” của du lịch Hậu Giang. Ngoài ra, còn có “chợ quê” đúng nghĩa ở Vị Thanh. Dân du lịch gọi chợ quê là ‘chợ chồm hổm’, chợ bệt vì kiểu ngồi của người bán lẫn người mua. Cùng với đó là rừng tràm và vườn trầu Vị Thủy, vườn quít Long Trị, công viên Xà No, di tích chiến thắng Tầm Vu, Chương Thiện…khóm Cầu Đúc, cá thác lác chế biến hàng trăm món ăn, níu chân du khách.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, xuất giải pháp: Phải làm sao kết nối được những làng nghề này với các tour, tuyến du lịch. Du khách đến Hậu Giang thì chúng ta giới thiệu du lịch sinh thái, gắn kết thăm những làng nghề chứ neu để một làng nghề của chúng ta không thì nó chưa có được sinh động, nó chưa có được cho du khách trải nghiệm, nó hơi bị đơn điệu, thiếu tương tác qua lại với nhau nhưng mà nếu chúng ta đi gắn kết với những vườn cây ăn trai, với những khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái thì chúng ta sẽ kết hợp để chúng ta phát triển các làng nghề của chúng ta hơn.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho hay: Với định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng như định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới thì 2 lĩnh vực nông nghiệp và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Trong cái du lịch thì có du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp mà nông nghiệp ở đây là gắn với nông sản chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là đối với các nông sản được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Chúng tôi luôn đồng hành với 2 lĩnh vực phải song hành với nhau để cùng nhau phát triển.

Ở khía cạnh người làm du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần thay đổi cách nghĩ và làm du lịch. Hậu Giang có nhiều nét để thu hút khách đó la  chợ đồng quê, củ hủ khóm, rau đọt choại, Mekong Delta Marathon Hậu Giang, những con đường quê, địa danh kênh rạch, bộ sưu tập máy ảnh ở Ngã Bảy…Điều quan trọng, giữ nét chân quê mà chỉ Hậu Giang có, đăng ký bản quyền cu hủ khóm và trước hết phải là sự liên kết ở ngay địa phương.

Liên kết trước hết liên kết trong địa phương của mình trước khi bàn tới chuyện liên kết của bên ngoài. Bây giờ một mình không làm được, một người, một khách sạn ở khoảng 50 người không nỗi đâu. Lữ hành xuống mấy trăm không hà, buộc phải liên kết. Chúng ta không thể giải quyết những khó khăn hiện nay bằng suy nghĩ được hình thành cùng với những khó khăn đó. Suy nghĩ phải khác và bộ 3 là nhà nước, chủ đầu tư (doanh nghiệp, người dân) và thứ ba là thị trường (tư vấn, các công ty lữ hành và khách hàng) phải là tam giác đều, thúc đẩy và tác động lẫn nhau”, ông Nguyễn Văn Mỹ, bộc bạch.

Cũng theo đề xuất của ông Mỹ thì du lịch sắp tới Hậu Giang nên chọn loại hình mới hình thành sau dịch Covid-19 thay cho du lịch homestay và những nhà trong bản, trong làng mà thay vào đó là những ngôi nhà trong vườn rau, nhà trong vườn cây.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là một trong những điểm đến du lịch trải nghiệm với thiên nhiên của tỉnh.

Hướng đi mới

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch phát triển 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị) giai đoạn 2021- 2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35.556 tỉ đồng. Theo đó, ở trụ cot du lịch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm nổi tiếng Cầu Đúc, du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công các điểm du lịch ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Từ kinh phí nhiều nguồn, tỉnh sẽ tiếp tục tu bổ tạo cảnh quan kênh xáng Xà No, đầu tư thêm phương tiện du lịch thủy bộ di chuyển trên kênh xáng Xà No và tuyến đường Phụng Hiệp - Ngã Bảy. UBND tỉnh Hậu Giang bố trí nguồn vốn ngân sách ưu tiên cho phát triển du lịch chợ nổi Ngã Bảy và những điểm du lịch khác; xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch Hậu Giang; đầu tư kết nối hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển du lịch; sửa chữa và tôn tạo những di tích lịch sử- văn hóa hiện có; phát triển du lịch tại các khu di tích đã được công nhận; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy có hiệu qua các giá trị truyền thống và những di sản văn hóa, di sản phi vật thể; phối hợp thực hiện xếp hạng những di tích, công trình văn hóa, kiến trúc trên địa bàn; củng cố, nâng chất câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ du khách; rà soát, điều chỉnh và ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu du lịch sinh thái quy mô lớn phức hợp nhiều dịch vụ (dự án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, dự án Khu du lịch sinh thái Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân, dự án phục hồi chợ nổi Ngã Bảy); tiếp tục thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác liên kết du lịch với thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành ĐBSCL; tăng cường liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế; hợp tác các tỉnh thành xây dựng tour- tuyến du lịch liên kết; phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cấp quà tặng du lịch…

Ngoài nhìn nhận những tiềm năng, lợi thế và gợi mở những định hướng, giải pháp quan trọng của nhà khoa học, ngành chức năng từ Trung ương đến tỉnh cho 4 trụ cột được xac định trong nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh là về nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch nhằm tạo bước bức phá mới thì người đứng đầu của tỉnh còn nêu lên nhiều khác vọng để Hậu Giang vươn lên manh mẽ trong thời gian tới.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tài nguyên du lịch chưa được khai thác, còn hoang sơ là lợi thế thu hút nhà đầu tư. Tỉnh đang có cơ hội và lợi thế dù là người mới bắt đầu, đi sau... Hậu Giang cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp với quảng bá bằng hình thức mới. Về phía nhà đầu tư, cần có ý tưởng sáng tạo, những dự án cụ thể, sản phẩm, công trình du lịch mới bắt kịp xu the du lịch hiện đại. Phải liên kết với các công ty lữ hành để tạo nên chuỗi cung ứng, đưa khách đến thông qua những tua, tuyến, tạo nên chương trình du lịch trọn vẹn. Trong đó, cần chú ý gắn với nét du lịch sông nước miệt vườn và tìm được nét riêng của Hậu Giang để xây dựng sản phẩm. Người dân cần có sự vào cuộc, xem du lịch là sinh kế mới bên cạnh nông nghiệp, cùng hợp sức, đồng lòng khai thác tài nguyên du lịch, tạo nên nhiều sự trải nghiệm mới mẻ...

 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

BÀI 5: KHÁT VỌNG ĐƯA HẬU GIANG VƯƠN LÊN MẠNH MẼ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>