Hậu Giang bứt phá vươn lên từ Nghị quyết “bốn trụ cột”

30/09/2022 | 15:47 GMT+7

Bài 3: Tiềm năng và cơ hội phát triển đô thị

Phát triển đô thị được xác định là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Với lợi thế vốn có và những tiềm năng mới xuất hiện, Hậu Giang thật sự trở thành điểm đến thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thành phố Vị Thanh ngày càng sầm uất, khang trang.

Nhiều tiềm năng

Nằm tiếp giáp thành phố Cần Thơ, Hậu Giang có vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL, sở hữu những lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong vùng. Phát huy nguồn lực nội tại, những năm qua, tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch phát triển lĩnh vực đô thị. Những khu dân cư, đô thị mới, khang trang lần lượt mọc lên minh chứng cho hiệu quả của chính sách kêu gọi đầu tư  của tỉnh.

Đến nay, nhiều ông lớn trong ngành bất động sản đã chọn Hậu Giang làm điểm dừng chân, mở rộng kinh doanh như: Tập đoàn Vingroup, DIC, Cát Tường, Hồng Phát…Sự xuất hiện của các khu đô thị mới ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành, Châu Thành A đã làm diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Có mặt tại Hậu Giang từ năm 2019, Dự án DIC Victory City Hậu Giang, tại khu vực 1 và 2, phường IV, thành phố Vị Thanh với quy mô 83,46ha, được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại, tâm điểm mới của thành phố Vị Thanh. Đến nay, giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, đơn vị tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo từ năm 2022-2025. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án DIC miền Tây, chia sẻ rất an tâm về môi trường và những chính sách thu hút doanh nghiệp của địa phương: “Môi trường đầu tư ở Hậu Giang rất tốt, tỉnh có những chính sách ưu đãi đầu tư chung cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thủ tục hành chính được các cơ quan chức năng hỗ trợ nhanh, gọn”.

Còn ông Đoàn Lê Thanh, Giám đốc phát triển dự án Khu vực 6 - Tập đoàn TNG Holdings Vietnam, xác định Hậu Giang là địa bàn chiến lược, Tập đoàn đang đăng ký tiếp cận và tham gia đầu tư khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A với quy mô 252 ha, tổng vốn đầu tư 3.659 tỷ đồng; khu đô thị và khu tái định cư phục vụ KCN Nhơn Nghĩa A với quy mô 350 ha, tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng. Khu đô thị này sẽ theo mô hình Mega-City, có quy mô từ 100 ha trở lên với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, theo hướng đô thị thông minh.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển của tỉnh. Việc phát triển các dự án đô thị sẽ giúp người dân thụ hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, dịch vụ xã hội đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế đô thị phát triển, thu nhập tăng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động”, ông Đoàn Lê Thanh, khẳng định.

Ngành Xây dựng luôn đồng hành, cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.

Lợi thế khác biệt

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như đổi mới công tác quản lý, tiếp thị, tiếp cận khách hàng, việc tìm hiểu nhu cầu từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Việc làm này đã làm cho tổng dư nợ cho vay của các doanh nghiệp tăng nhanh trong các năm qua.

Tính đến tháng 5-2022, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 32.313 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng 14.855 tỷ đồng, chiếm 45,97% tổng dư nợ; lĩnh vực thương mại và dịch vụ 9.181 tỷ đồng, chiếm 28,41% tổng dư nợ, lĩnh vực nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ 31,17 tỷ đồng… Toàn địa bàn có 610 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với dự nợ 9.452 tỷ đồng, chiếm 29,25% tổng dư nợ. Có thể nói, sự tham gia hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng đã cho thấy tiềm năng và khuynh hướng đầu tư mang lại hiệu quả trên toàn địa bàn.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông. Khi đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành thì Hậu Giang sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch,…. Khi đó, các đô thị và khu vực lân cận đường cao tốc như: Châu Thành, Ngã Bảy, Vị Thanh, Long Mỹ, Phụng Hiệp sẽ có nhiều tiềm năng phát triển khu dân cư, khu du lịch sinh thái…

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh xác định quan điểm phát triển trong lĩnh vực đô thị theo hướng: Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị đảm bảo tính bền vững, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng chiến lược phát triển đô thị và nhà ở quốc gia; đảm bảo tạo được dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển.

Phát triển đô thị phải đạt mục tiêu kép: Mở rộng khu vực đô thị, tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh và gia tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nông thôn, đầu tư phát triển du lịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác.

Để định hướng đầu tư xây dựng, kêu gọi đầu tư, tỉnh đã phê duyệt 24 đồ án quy hoạch phân khu, 229 đồ án quy hoạch chi tiết. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu trên diện tích đất lập quy hoạch chung đạt khoảng 63%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38%.  Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang và phát triển đô thị, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chia sẻ về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuộc đơn vị quản lý, ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho biết: “Khi được chủ đầu tư yêu cầu, sở sẽ hướng dẫn bằng văn bản; trực tiếp hướng dẫn chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn của chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về cấp phép xây dựng để giảm thiểu tối đa thời gian cũng như chi phí. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Tăng cường thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Sở cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện và đồng hành các nhà đầu tư trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án…”

Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị. Ttrong đó: 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 4 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V (11 thị trấn, 1 đô thị mới). Để đạt mục tiêu nêu trên, nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị là rất lớn. Trong khi đó, điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết, nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - phát triển xã hội của địa phương.

Thị xã Long Mỹ phát triển đô thị mang đặc trưng vùng sông nước.

Nhiều dư địa đầu tư

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, tỉnh kêu gọi đầu tư 31 dự án về lĩnh vực đô thị trọng điểm của tỉnh, với quy mô khoảng 799ha. Trong đó, thành phố Vị Thanh kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới ở phường III, phường IV, phường V và xã Hỏa Lựu; thành phố Ngã Bảy với các khu đô thị mới ở xã Đại Thành, phường Ngã Bảy, phường Hiệp Thành và phường Hiệp Lợi; thị xã Long Mỹ với khu đô thị mới ở phường Vĩnh Tường, Thuận An và Trà Lồng; huyện Phụng Hiệp với các khu đô thị mới ở thị trấn Búng Tàu, Tân Long, xã Thạnh Hòa; huyện Vị Thủy mời gọi vào các dự án chợ Hội Đồng - Khu dân cư thương mại Hội Đồng ở xã Vị Đông, chỉnh trang đô thị thị trấn Nàng Mau và khu đô thị mới phía Nam đường 3/2 – Khu 01 và Khu 02 ở thị trấn Nàng Mau...

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp đô thị, tỉnh kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như: khu dân cư nông thôn mới ở ấp Phú Nhơn, Phú Hưng, Phú Lợi và chợ xã Đông Phú, khu đô thị mới Thuận Hưng ở thị trấn Ngã Sáu. Tỉnh kỳ vọng, qua Hội nghị xúc tiến đầu tư thì tới đây, tiềm năng, thế mạnh, các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của địa phương sẽ đến gần hơn với các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và quyết định rót vốn.

Các dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại là một trong những yếu tố tác động tích cực đến tốc độ phát triển đô thị, tạo diện mạo mới cho đô thị, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - phát triển xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Hậu Giang còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư như: Hỗ trợ về mặt bằng thực hiện dự án; khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho người lao động, miễn giảm thuế doanh nghiệp mới, thủ tục hành nhanh, gọn; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tải sản khác gắn liền với đất, ...

Tỉnh không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ. Tất cả được đối xử bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Tỉnh thường xuyên tổ chức Đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, họp mặt các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để lắng nghe các tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn; công khai minh bạch các chương trình, dự án trong tất cả các lĩnh vực; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp an tâm kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thêm.

Cùng với nhóm trụ cột về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị thì lĩnh vực du lịch của tỉnh cũng đang được “đánh thức” mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều làng gió mới cho du khách khi đến với Hậu Giang.

Sau hơn 18 năm thành lập, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập chỉ có 9 đô thị, đến nay đã có18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 29%. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, con người và thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với BĐKH. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 sẽ đạt trên 32%.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Bài 4: ĐỂ DU LỊCH HẬU GIANG “CẤT CÁNH”

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>