Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động sản xuất hoa kiểng tết

13/01/2022 | 20:52 GMT+7

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với giá phân bón liên tục tăng cao nên nông dân tại các tỉnh ĐBSCL giảm diện tích trồng hoa kiểng tết. Đồng thời chủ động chuyển đổi, tăng diện tích trồng các loại hoa kiểng công trình, hoa trang trí nội thất... để thích ứng với tình hình mới.

Người trồng hoa ở Hậu Giang tích cực chăm sóc để phục vụ thị trường tết 2022. Ảnh: HOÀI THU

Tăng tốc sản xuất hoa tết

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này nông dân nơi “thủ phủ hoa” vùng ĐBSCL đang tất bật sản xuất. Dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tâm thế người dân nơi đây luôn sẵn sàng thích ứng với tình hình mới. Theo ghi nhận tại các làng hoa Sa Đéc (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), làng hoa Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) và làng mai vàng Phước Định (tỉnh Vĩnh Long), các nhà vườn đang tập trung “chạy nước rút” cho vụ tết.

Nhà vườn làng mai vàng Phước Định (Vĩnh Long) đang chăm sóc vườn mai. Ảnh: QUỐC AN

Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán “Tôi yêu màu tím” ở thành phố Sa Đéc cho biết, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng 20 thành viên của hội quán vẫn thích ứng, tập trung sản xuất với đủ các chủng loại hoa như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, vạn thọ, cát tường, thược dược… phục vụ thị trường tết với khoảng 40.000 chậu, giảm hơn một nửa so với năm trước. “Năm nay, giá vật tư tăng cao nhưng giá đối với một số chủng loại hoa đều giữ ở mức cũ. Cụ thể, như cúc mâm xôi có giá dao động từ 140.000-160.000 đồng/chậu. Riêng những dòng hoa mới sưu tập như cúc Hỏa Châu, hoa quả cầu lửa… thì giá ở mức khoảng 300.000 đồng/chậu.

Là thành viên Hội quán “Tôi yêu màu tím”, anh Nguyễn Minh Tuyền, ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, bộc bạch: “Tết 2022 này, gia đình sản xuất 15.000 chậu hoa cúc mâm xôi và nhiều loại hoa khác để phục vụ thị trường khắp nơi. Mấy ngày qua thương lái bắt đầu đến các hộ trồng hoa để khảo sát và đặt hàng nên mọi người đều khẩn trương, chú trọng các khâu chăm sóc với những công đoạn sau cùng để xuất bán”.

Không riêng gì nông dân làng hoa Sa Đéc mà tại làng mai vàng Phước Định (tỉnh Vĩnh Long) và làng hoa Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), các nhà vườn cũng đang tăng tốc sản xuất hoa vụ tết. Ông Lê Văn Tý, Giám đốc HTX làng mai vàng Phước Định cho biết, sau khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát và hết giãn cách xã hội thì nhà vườn trồng mai bắt đầu khởi động lại việc sản xuất hoa kiểng. Theo ông Tý, làng nghề sản xuất khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bon sai, cùng một số loại kiểng khác khoảng 2.500 gốc. Thời điểm hiện tại, các thành viên của HTX khẩn trương chăm sóc, cắt tỉa lá và vô chậu mai vàng nhằm cung ứng thị trường tết; tuy nhiên số lượng có giảm so với những năm trước. Ông Tiêu Hùng Minh, ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết thời gian qua việc mua bán mai vàng giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi thích ứng với trạng thái bình thường mới thì người dân ở làng mai vàng cũng bán được nhiều lên; đồng thời hy vọng thị trường mai tết 2022 sẽ tăng.

Còn tại làng hoa Xáng Mới, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, thay vì phấn khởi trước vụ mùa mới, nông dân nặng nỗi lo đầu ra bởi dịch bệnh kéo dài. Theo thống kê sơ bộ của Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, số hộ trồng hoa vẫn giữ số lượng như các năm trước là 89 hộ, tuy nhiên sản lượng hoa phục vụ tết có giảm.

Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, cho biết: Vụ hoa tết năm trước, toàn hợp tác xã có 180.000-200.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường. Nhưng năm nay, ước tính toàn hợp tác xã có khoảng 150.000 chậu, chủ yếu là vạn thọ, păng-xê, cúc các loại... Nông dân tự giảm số lượng vì lo lắng khó tiêu thụ hoa tết do dịch bệnh kéo dài. Theo một số nhà vườn, năm nay chi phí vật tư đầu vào, thuốc, phân bón... đều tăng hơn so với năm trước, dẫn đến giá thành sản xuất tăng khoảng 20-30%.

Để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, nông dân trong Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng, ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đang tất bật chăm sóc khoảng 20.000 chậu mai vàng phục vụ tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, bà con rất lo lắng về đầu ra. Ông Lê Văn Ky, Giám đốc Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng, cho biết: Hiện HTX có hơn 70 thành viên nên năm nay lượng mai chuẩn bị cho thị trường tết cũng nhiều hơn so với các năm. Một thành viên ít nhất cũng 300 chậu mai vàng, có hộ khoảng 1.000 chậu. Nhưng đến thời điểm này, thương lái liên hệ thu mua còn ít.

Thích ứng sản xuất, nông dân có lãi

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, tiết lộ: “Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 697ha hoa kiểng. Trong đó, diện tích sản xuất cây công trình và trang trí nội thất là 70%, diện tích hoa các loại khoảng 25%, còn lại là kiểng cổ bon sai. Đối với sản xuất hoa kiểng phục vụ tết 2022 ước khoảng 50ha, với 200 hộ trồng các loại hoa chủ lực như cúc các loại, hồng, hạnh, vạn thọ…”.

Tuy diện tích trồng hoa kiểng phục vụ thị trường tết có giảm 60ha so với năm 2020, nhưng địa phương đã chủ động tăng diện tích trồng các loại hoa khác. Ngoài ra, để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, người dân nơi “thủ phủ hoa” thành phố Sa Đéc trồng rải vụ với các loại hoa thường niên quanh năm nên không đặt nặng việc trồng hoa tết truyền thống như trước nữa. “Nông dân chuyển đổi sản xuất các giống hoa mới nhằm phục vụ thị trường khách tham quan du lịch, các lễ hội, cung cấp cây kiểng công trình… Đồng thời, trồng hoa theo hợp đồng, theo định hướng cung cầu… cũng đang được nông dân nơi đây áp dụng. Ngoài những khách hàng sẵn có, nông dân mở rộng thị trường bán hoa kiểng online thông qua các trang của Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp và mạng xã hội…”, bà Ngọc thông tin thêm.

Gần đây, thành phố Sa Đéc phối hợp với ngành nông nghiệp để kết nối cùng các công ty cây xanh, giúp nông dân trồng hoa kiểng có thêm đầu ra. Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hoa kiểng bị chậm; vì vậy giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2021 của làng hoa Sa Đéc ước khoảng 1.343 tỉ đồng, giảm 547 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Riêng về thị trường tết 2022 nông dân chủ động thích ứng nhằm đạt hiệu quả.

Tại Bến Tre, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Thời điểm này các nhà vườn trồng hoa kiểng tất bật sản xuất trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch, người dân chủ động thích ứng tăng cường sản xuất cây giống nên khiến diện tích trồng hoa nở (như vạn thọ, mào gà, cúc…) năm nay giảm khoảng 30-50%. Riêng diện tích trồng các loại kiểng công trình, cây cảnh vẫn không thay đổi”.

Theo tiến sĩ Liêm, nhìn chung đến thời điểm hiện tại, thời tiết khá thuận lợi cho việc sản xuất hoa kiểng, cây sinh trưởng tốt, dù trước đó có ảnh hưởng bởi hai đợt nắng nóng và lạnh, khiến một số cây mai vàng nở hoa sớm. Năm nay, nhiều khả năng người dân sẽ tiết kiệm, một số nơi tập trung trưng bày hoa kiểng sẽ không có nên thị trường tiêu thụ sẽ giảm. Do vậy, các nhà vườn đã được các ngành chức năng khuyến cáo trước đó là giảm diện tích trồng hoa nở. Chủ yếu các nhà vườn sản xuất hoa theo các hợp đồng và liên kết hỗ trợ của địa phương với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh bạn, hạn chế bán tại các chợ truyền thống.

Tiến sĩ Liêm cũng lưu ý, trong quá trình sản xuất, chăm sóc cây, nông dân cần tính toán vừa đủ, tiết kiệm tối đa. Chỉ tập trung đầu tư vào các cây kiểng cần bán, còn những cây nuôi dưỡng thì không tập trung mà để cây tự sinh trưởng trong điều kiện bình thường, nhằm giảm lượng phân bón, giảm chi phí... Làm được điều này, nhà vườn trồng hoa kiểng sẽ có lời.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, hiện nay nông dân đã xuống giống các sản phẩm chưng tết gồm hoa các loại như vạn thọ, cúc, cát tường, mai vàng phục vụ tết... được 528.495 chậu, giảm hơn 35% so với cùng kỳ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt lưu ý người dân kết nối với các đơn vị có nhu cầu để không bị ùn ứ hoa tết.

 

QUỐC AN - HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>