Để mật ngọt vươn xa

25/01/2023 | 09:51 GMT+7

Bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật đã 4 năm nay, anh Trần Minh Nìm không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương, khởi xướng cho thanh niên những ý tưởng phát triển kinh tế gia đình.

Anh Trần Minh Nìm tạo ra ong chúa thành công.

Từ thợ sửa xe đến “thợ nuôi ong”

Từ thợ sửa xe gắn máy đến “thợ nuôi ong” đó là cách mà bà con ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, kể về anh Trần Minh Nìm, Chủ cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm. Vượt qua những hạn chế về kinh nghiệm và kiến thức nuôi ong, anh Nìm đã tìm tòi, học hỏi, bước qua những trở ngại để có được thành công như ngày hôm nay.

Vừa dán tem cho những chai mật ong để kịp đơn hàng giao cho khách dịp cuối năm, anh Trần Minh Nìm kể về duyên nợ với con ong của mình: “Lúc xưa, tôi làm nghề sửa xe máy. Sau đó, ảnh hưởng sức khỏe nên tôi nghỉ. Khi tôi sử dụng mật ong thấy cải thiện tốt nên mới mua thùng ong về nuôi để lấy mật sử dụng trong gia đình. Thấy ong hạp thổ nhưỡng, vì vậy tôi nảy sinh nghề nuôi ong lấy mật”.           

Ngắm nghía chai mật vừa dán nhãn xong, anh Nìm kể tiếp: Thời điểm năm 2016-2017, công việc nuôi ong của anh khá đơn giản, chủ yếu lấy mật cung cấp cho thương lái, những người có nhu cầu, còn đóng chai thì thuê bên ngoài chứ không tự làm như bây giờ. Khi thấy nhu cầu người dân cao, muốn chất lượng hơn, anh đã mày mò, tìm hiểu cách làm rồi sau đó cho ra thêm sản phẩm mật ong tầng cơi, nuôi theo công nghệ châu Âu, gọi là mật ong nguyên sáp. Sản phẩm được thị trường đón nhận rất tốt.

Thừa thắng xông lên, anh Nìm nhân đàn ong, mở rộng vùng nuôi, song song với việc cung cấp ong cho bà con trong vùng có nhu cầu. Cần cù, chịu khó, từ 2 thùng ong ban đầu, đến nay Cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm có khoảng 600 đàn ong. Ngoài ra, anh còn có 5 điểm nuôi ong tại các tỉnh ĐBSCL, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10 thanh niên trên địa bàn, khoảng 100 người dân ở các tỉnh bạn.

Mật ong đóng chai và mật ong nguyên sáp đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Lý Thị Hằng Ni, một trong những hộ được anh Nìm chia sẻ kinh nghiệm mấy năm nay cho biết, trước đây vợ chồng chị làm ruộng nhưng cuộc sống bấp bênh, không có lời, từ ngày nuôi ong, cuộc sống đã dần ổn định hơn.

“Lúc đầu, tôi lấy có 2 đàn ong, bây giờ lên hơn 20 đàn rồi. Nếu trời nắng thì cỡ hơn 10 bữa là tôi quay mật một lần. Nuôi ong thấy cũng dễ, phụ nữ làm cũng được. Mình ở nhà vừa chăm con vừa giữ nhà được luôn, thu nhập thì cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình” chị Ni phấn khởi cho hay.

Khi chúng tôi hỏi, phải khó khăn lắm mới có được thành quả như hôm nay, anh không sợ khi mọi người học nghề xong sẽ tách ra làm riêng, cạnh tranh với mình? Bằng nụ cười hào sảng đậm chất miền Tây, anh Nìm khẳng định chắc nịch: “Tôi không sợ người ta sẽ học từ cái nghề mình. Tại vì hiện tại chúng ta cố tâm truyền đạt những thông tin, truyền đạt những hiểu biết của mình, những cái mình làm được đến người dân để người dân làm cho hiệu quả hơn. Quan trọng nhất là biến đổi khí hậu rất là khắc nghiệt nên chúng ta phải tận dụng được những nguồn bông hoa từ tự nhiên của đất trời ban tặng, mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế, sẽ tạo điều kiện trồng cây, gây rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên, mang lại bầu không khí trong sạch cho chúng ta”.

Luôn sát cánh cùng nông dân

Hiện tại, Cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm cung cấp cho thị trường 3 dòng sản phẩm gồm: Mật thô để cung cấp cho những nhà hàng, quán ăn dùng chế biến thực phẩm; mật đóng chai 500ml và mật ong nguyên sáp. Trong đó, mật ong đóng chai và mật ong nguyên sáp đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với giá bán hiện tại dao động từ 200.000-350.000 đồng, tùy loại sản phẩm, trừ tất cả các chi phí, anh Nìm thu lời 150-200 triệu đồng/năm. Sản phẩm có mặt tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, vươn lên làm giàu cho thanh niên tỉnh nhà.

Để luôn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm mật ong của mình, anh Nìm đã nghĩ ra cách nuôi ong “chạy đồng” ở các địa phương. Anh Nìm chia sẻ: “Vùng rừng tràm Hậu Giang ra hoa từ tháng 10, tháng 11 cho tới tháng 3, tháng 4 sang năm. Sau đó, tôi đem ong lên Vĩnh Long thu hoạch mật nhãn, chôm chôm. Hết mùa thì lên Đồng Nai để dưỡng ong, tạo đàn ong. Tới tháng 8, tháng 9 là sẽ về Hậu Giang để chia đàn ong, tiếp tục cung cấp con giống cho các tỉnh bạn và các thanh niên đã từng nuôi ong chung với mình”.

Anh Trần Minh Nìm nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh.

Nhận xét về mô hình kinh tế của anh Nìm, bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, viên chức kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: “Anh Nìm có thể nhân bầy ong được. Vườn cây ăn trái nào thuận, ít sử dụng thuốc trừ sâu thì anh mới gửi thùng ong. Khi thu hoạch mật thì chia ra với bà con chủ vườn. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, mà anh còn liên kết với các hộ dân trong và ngoài tỉnh”.

Trong chuyến thăm mô hình của anh Nìm cách đây không lâu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực tìm tòi, vượt khó của anh, đồng thời nhấn mạnh tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

“Tỉnh đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, nhất là mô hình tổ hợp tác, HTX. Do đó, cần thiết nên huy động các hộ gia đình, thanh niên cùng tham gia thành lập HTX, từ đó được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh. Khi có nhiều thành viên thì sản lượng sẽ lớn, có điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm, có thị trường tiêu thụ lớn hơn”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Nói về những dự định trong năm mới, anh Nìm cho hay sẽ tiếp tục giữ vững chất lượng sản phẩm đã có, mở rộng thị trường thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá mật ong quê hương được nhiều người biết đến, giúp phát triển kinh tế cho bản thân và các hộ nuôi ong. Cùng với đó là nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm mới để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>