Chỉ số PCI từ điểm số đến hành động

22/05/2023 | 07:01 GMT+7

Bài 2: Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Hậu Giang xác định là giải pháp then chốt nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo sự đột phá, hấp dẫn trong thu hút đầu tư giai đoạn mới. Do đó, các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá theo từng lĩnh vực, luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát.

Với các tiềm năng, lợi thế, Hậu Giang là điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đẩy mạnh cải cách

Chỉ số PCI tăng vọt đã cho thấy sức hút về môi trường đầu tư của Hậu Giang ngày càng hấp dẫn. Trong quý I/2023, tỉnh có 194 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tổng vốn đăng ký trên 711 tỉ đồng) và đến nay toàn tỉnh đã có 6.540 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký lên hơn 67.425 tỉ đồng.

Về công tác kêu gọi đầu tư, tỉnh đã thu hút được 348 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 170.435 tỉ đồng. Hậu Giang cũng đã mời gọi được 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký lên trên 631 triệu USD… Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết: “Khi đầu tư tại tỉnh Hậu Giang, chúng tôi được UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thực hiện dự án đầu tư mở rộng dự án Nhà máy Dược phẩm và Nhà máy In Bao bì DHG, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ Dược Hậu Giang hoàn thành các thủ tục về bàn giao mặt bằng đất sạch, ký quỹ, thủ tục thuê đất để công ty có thể triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt”.

Qua thời gian triển khai dự án đầu tư tại tỉnh, ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng - Tập đoàn DIC, chia sẻ: “Hậu Giang đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bất cứ dự án nào cũng phải trải qua giai đoạn thực hiện thủ tục pháp lý, trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng nên khẩu hiệu hành động của tỉnh “2 nhanh” và “3 tốt” là một trong những điều kiện cực kỳ thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Trước những phản hồi rất tích cực của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lê Quốc Việt cho biết, chủ trương của ngành chức năng là luôn đồng hành và tạo điều kiện tối đa khi các đơn vị đến đầu tư. “Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ công khai quy hoạch sử dụng đất, minh bạch hóa thông tin, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nguồn lực đất đai. Thường xuyên rà soát, đề xuất UBND tỉnh thu hồi đối với các dự án chậm hoặc không triển khai theo quy định. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn các dự án triển khai chậm do vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, rút ngắn thời gian các thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Lê Quốc Việt cho hay.

 Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đơn vị sẽ chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ và trình tự thủ tục theo quy định. Trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chuyển đổi tư duy của công chức, viên chức từ quản lý sang phục vụ…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh xem việc cải cách hành chính là vô cùng quan trọng và chủ trương chuyển từ cách quản lý hành chính nhà nước sang phong cách phục vụ. Hậu Giang không có khái niệm nghỉ thứ bảy hay chủ nhật, tận tình hướng dẫn và thậm chí làm giúp doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo khung cho phép tỉnh kéo giảm xuống còn 50%. Quan điểm của Hậu Giang là “Một văn hóa - một ngôn ngữ”, từ lãnh đạo tỉnh đến cơ sở chung văn hóa ứng xử với doanh nghiệp, cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động.

“Chúng ta là một tỉnh nghèo, nếu muốn vươn lên, phát triển vững chắc thì phải đồng lòng và cùng làm. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp phát hiện sai phạm. Muốn phát triển nhanh thì phải bỏ những hạn chế, những cái cũ. Cải cách hành chính sẽ đan xen với chuyển đổi số nhằm mang lại hiệu quả cao”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), đánh giá: “Chính quyền Hậu Giang rất năng động, thay đổi rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây và đặc biệt là sự quyết tâm rất cao. Khi có sự quyết tâm cao không chỉ là mong muốn mà thể hiện qua những hoạt động rất mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh tốt. Khi cơ chế, thể chế hình thành, việc đầu tư hạ tầng vào để kết nối sẽ giúp Hậu Giang phát triển nhanh trong thời gian tới”.

Tập trung nâng thứ hạng

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025; tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Để công tác CCHC nói chung và kết quả các chỉ số nói riêng ngày càng tiến bộ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, định hướng của Trung ương, của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Chỉ thị số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, cũng yêu cầu duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm, tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục. Cải thiện tối đa điểm số các chỉ số đối với từng cơ quan, đơn vị. Phân công chỉ tiêu, kế hoạch và trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Xem kết quả các chỉ số đánh giá về sự hài lòng của các doanh nghiệp, người dân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu, sớm ban hành quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hướng đến mục tiêu giảm 50% thủ tục hành chính.

“Thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Kịp thời tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, với quyết tâm chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, đó là cùng một tuyên ngôn và cùng hành động làm mục tiêu chung”…, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh Hậu Giang vào tháng 8-2022. Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, thông tin: Cải cách hành chính mang tính chất toàn diện, đồng bộ và tổng thể. Rà soát lại những vấn đề đã tốt, cả những vấn đề chưa tốt để có giải pháp cụ thể. Phải đổi mới về xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, đảm bảo tính khả thi, phân công trách nhiệm triển khai, có nguồn lực, có kiểm tra, có đôn đốc, theo dõi, đánh giá… Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, bộ phận một cửa các cấp.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

------------------

Bài 3: Biến tiềm lực thành nguồn lực, khát vọng thành hành động

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>