Cà phê dừa của cử nhân tài chính - tín dụng…

23/03/2023 | 07:49 GMT+7

Khoảng nửa năm trở lại đây, trên các chợ thương mại điện tử xuất hiện một sản phẩm cà phê mang hương vị mới lạ từ sự kết hợp giữa hạt cà phê nguyên chất và dừa rang được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận, đó chính là sản phẩm cà phê dừa hình thành từ ý tưởng khởi nghiệp của chị Trần Hồng Nhiên, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A.

Chị Nhiên (bìa trái) nhận giải ba Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang năm 2023.

Cà phê là loại thức uống quá phổ biến đối với tất cả mọi người. Trên thị trường hiện nay cũng có vô vàn sản phẩm cà phê với nhiều hương vị khác nhau nhưng với cà phê dừa thì hiện nay ít người biết đến.

Có duyên với cà phê dừa

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính - tín dụng, chị Nhiên có 2 năm công tác ổn định trong một ngân hàng ở quê nhà tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, với mong muốn cuộc sống vợ chồng được gắn kết và ổn định hơn sau này, chị quyết định về định cư quê chồng tại ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, vào thời điểm cách nay 10 năm.

Chị Nhiên chia sẻ, về đây sống lúc đầu cũng nhiều khó khăn, bận lo con nhỏ nên chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình và từ bỏ hẳn ý định tìm việc theo chuyên ngành đã học. Trong lần tình cờ rang dừa, chị cảm nhận mùi dừa rang thơm ngon đặc biệt nên nảy ra ý định trộn cùng cà phê pha uống thử.

“Sau khi thấy sự kết hợp giữa cà phê và dừa rang cho ra thức uống rất đặc biệt, thơm ngon đậm vị nên tôi quay video clip giới thiệu cách làm cho bạn bè trên mạng xã hội tiktok và được nhiều người ủng hộ đề nghị tôi làm cà phê dừa bán. Từ đó tôi bắt đầu nghiên cứu để tìm ra công thức hoàn hảo hơn để cho ra sản phẩm cà phê dừa như hôm nay”, chị Nhiên chia sẻ.

Để có được sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường, chị Nhiên cũng mày mò tìm kiếm từ các nguồn thông tin chính thống về sự an toàn cho sức khỏe khi có sự kết hợp giữa cà phê và dừa. Một mặt, chị tìm hiểu nguồn cung cấp cà phê sạch để đảm bảo sản phẩm làm ra an toàn, chất lượng.

“Tôi mất hơn 1 tháng để nghiên cứu tìm ra công thức chế biến cà phê dừa. Phải tỉ mỉ lựa chọn từng loại cà phê hạt để kết hợp với loại dừa nào (dừa rám vỏ, dừa khô…) để tạo ra vị cà phê đậm đà, thơm ngon nhất. Khi có sự đồng điệu giữa cà phê và dừa thì phải mất thời gian cân chỉnh liều lượng giữa cả hai loại nguyên liệu này. Công phu lắm mới được một công thức tạo ra sản phẩm khá hoàn thiện được nhiều người đón nhận như hiện nay”, chị Nhiên cho biết thêm.

Cũng theo chị Nhiên, ngoài sự khích lệ của bạn bè thì động lực để chị làm nên sản phẩm cà phê dừa chính là việc giá dừa khô trên thị trường thời gian qua xuống thấp. Người dân trồng dừa xung quanh nơi chị sinh sống không bán được dừa, hoặc bán giá quá rẻ không lợi nhuận. Từ đó, chị mong muốn làm cà phê dừa để bán nhằm giúp tiêu thụ một phần nguồn dừa khô trong dân trên địa bàn xã.

Thành công bước đầu

Sau khi tạo ra cà phê dừa đạt chuẩn ngon như mong muốn, vào tháng 9-2022, chị bắt đầu đăng bài quảng cáo, bán sản phẩm trên tiktok và mở rộng sang facebook, shopee. Hiện tại, hàng ngày chị dành khoảng 2 giờ để bán hàng phát trực tiếp trên tiktok (live stream); bình quân mỗi ngày, lượng cà phê tiêu thụ từ 20-50kg.

“Nhờ lợi thế của mạng xã hội mà tôi đã đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Hiện nay, ngoài nguồn khách hàng mới mỗi ngày khi live stream bán thì tôi cũng có được nhóm khách hàng truyền thống duy trì mua sản phẩm từ ngày đầu tới nay”, chị Nhiên phấn khởi thông tin.

Hiện tại, chị Nhiên đã đăng ký giấy phép kinh doanh, đồng thời gửi mẫu cà phê đi kiểm nghiệm để được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà xưởng sản xuất theo quy định để đảm bảo các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

“Từ sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng nhiều nơi đã tạo động lực lớn để thôi thúc tôi quyết định mở rộng hoạt động sản xuất của mình nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tôi rất quan tâm vấn đề sức khỏe người tiêu dùng nên luôn mong muốn đem đến sản phẩm chất lượng không chỉ ở việc ngon mà còn phải an toàn. Hiện nguyên liệu cà phê hạt tôi đã hợp đồng với đơn vị cung cấp đảm bảo tiêu chuẩn cà phê sạch, dừa khô chủ yếu tôi thu mua của người dân địa phương”, chủ nhân “café dừa” cho biết.

Theo chị Nhiên, nếu ý tưởng khởi nghiệp sản xuất cà phê dừa thành công hơn nữa trong tương lai không chỉ đem lại thu nhập tốt hơn cho gia đình, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội lựa chọn thêm 1 sản phẩm uống mà còn giúp người dân địa phương có việc làm. “Từ 3 tháng nay, chỗ tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, chủ yếu là nữ. Công việc chính là nạo dừa, rang dừa, rang cà phê, đóng gói. Bình quân thu nhập mỗi người trên dưới 200.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, hàng ngày tôi cũng tiêu thụ lượng lớn dừa khô của người dân địa phương với mức giá cao hơn giá thị trường”.

Có được việc làm cho thu nhập ổn định từ sau tết đến nay nhờ việc rang dừa cho chị Nhiên, chị Lê Huỳnh Như, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, cho biết: “Trước đây, tôi từng đi làm công nhân, phụ bếp ăn nhưng công việc xa nhà, tăng ca rất vất vả. Từ lúc xin vào làm cà phê dừa, tôi thấy công việc phù hợp với bản thân mình. Chỗ làm gần nhà, sáng lo cho con cái, nhà cửa xong xuôi, 9-10h tôi mới sang đây làm đến chiều, thu nhập hàng ngày cũng từ 200.000-250.000 đồng”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành A, mô hình sản xuất cà phê dừa khi có điều kiện phát triển hơn sẽ tạo được việc làm tại chỗ cho nhiều chị em, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Bước đầu, để tạo điều kiện cho mô hình mở rộng thì Hội sẽ nắm bắt nhu cầu và hỗ trợ hướng dẫn chủ mô hình tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đạt giải cao tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ

 

Vừa qua, chị Nhiên được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành A chọn Dự án Cà phê dừa tham gia Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang năm 2023 do Tỉnh hội tổ chức, kết thúc vào ngày 7-3. Kết quả, dự án khởi nghiệp của chị Nhiên đạt giải ba tại cuộc thi.

Chị Trần Hồng Nhiên: “Tham gia cuộc thi vừa rồi là cơ hội để tôi học hỏi thêm từ chị em trong tỉnh về kinh nghiệm khởi nghiệp. Qua đây có thêm nhiều người biết đến sản phẩm cà phê dừa của mình làm ra. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, hội liên hiệp phụ nữ các cấp, các cơ quan chuyên môn cũng tạo điều kiện, hướng dẫn quy trình, cách thức về thủ tục để tôi đăng ký kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tiếp cận vốn kinh doanh”.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>