Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 7-8: Thương mại điện tử Việt Nam vươn lên thứ 3 Đông Nam Á

07/08/2024 | 10:29 GMT+7

Cùng những tin tức Tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Phile cá tra đông lạnh của Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Brazil; Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 7%; Dự báo giá cà phê ngày 7/8/2024 tiếp tục chuỗi ngày giảm mạnh?

Thương mại điện tử Việt Nam vươn lên thứ 3 Đông Nam Á

 

Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%.

Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%.

Khoảng 800 tỷ đồng là số tiền mà người tiêu dùng Việt Nam chi mỗi ngày để mua sắm trực tuyến trong 6 tháng đầu năm nay. Thông tin theo báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm nay của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric. Con số này tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 1,98 triệu tỷ đồng. Số thuế đã nộp khoảng gần 55.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Hiện đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Ireland; Thụy Sĩ, Australia; Anh. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai - nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử là trên 4.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phile cá tra đông lạnh của Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Brazil

  

Phile cá tra đông lạnh của Việt Nam chiếm trên 99% thị phần tại thị trường Brazil. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Brazil đạt hơn 4 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế xuất khẩu tính đến ngày 15/7/2024 đạt 58 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường nhập khẩu cá tra nhiều thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Quý II/2024, Brazil gần như không nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam. Quốc gia này chỉ tiêu thụ phile cá tra đông lạnh mã HS0304, với giá trị nhập khẩu đạt 26 triệu USD trong quý II năm 2024, tăng 39% so với quý II năm 2023. 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mặt hàng này đạt 53 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 99,8% tỷ trọng. Trong đó, tháng 1/2024 ghi nhận là tháng thị trường này mua nhiều cá tra phile đông lạnh nhất, với giá trị hơn 14 triệu USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với cá tra khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc, bong bóng cá tra,...), nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 110 nghìn USD sang Brazil, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 0,2% tỷ trọng, chủ yếu được xuất khẩutrong quý đầu năm. Quý II/2024, Brazil không nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam, trong khi cùng kỳ năm ngoái thị trường này nhập khẩu hơn 14 nghìn USD.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ 3 cho Brazil, chỉ sau Mỹ và Canada. Việt Nam là quốc gia có khoảng cách địa lý xa Brazil hơn so với Mỹ và Canada, tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này vẫn không ngừng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Nửa đầu năm nay, Brazil ghi nhận tăng trưởng dương 77% về khối lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam và tăng trưởng ở tất cả các tháng. Trong đó, tháng đầu năm nay là tháng Brazil tiêu thụ nhiều nhất cá tra với hơn 3.000 tấn, tăng 183% so với tháng 1/2023.

Mặc dù giá trung bình xuất khẩu giảm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil vẫn tăng trưởng dương nhờ khối lượng nhập khẩu tăng. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil chứng kiến mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, kể từ năm 2022. Trong đó, tháng 6/2024 chứng kiến mức giá thấp nhất, chỉ 2,61 USD/kg, giảm 13% so với tháng 6/2023; và giảm 25% so với tháng 6/2022. Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Brazil bắt đầu giảm từ tháng 4/2023 và giảm dần qua các tháng. Tháng 3 và tháng 4/2024, giá tăng nhẹ lên 2,71 USD/kg và 2,73 USD/kg rồi lại tiếp tục sụt giảm trong tháng 5 - 6/2024.

Giá trung bình xuất khẩu giảm, khối lượng tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Brazil không giảm. Năm 2024, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin đã nâng dự báo tăng trưởng lên 2,3%, tăng so với mức 1,9% được đưa ra trước đây. Dự báo, nửa cuối năm nay, quốc gia này vẫn sẽ tiếp đà tăng nhập khẩu cá tra của nửa đầu năm để chuẩn bị cho các lễ hội, kỳ nghỉ. Tuy nhiên, giá trung bình xuất khẩu sang Brazil sẽ khó tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 7%

 

 Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 7%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 341 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi tăng 16% trong quý I, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong quý II giảm 7%. Quý II năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 182 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ 2023.

Tồn kho tại Mỹ tuy có giảm nhưng sức mua của nhà nhập khẩu không cao do họ cho rằng giá tôm sẽ còn tiếp tục giảm nên chưa tăng cường mua vào. Cước tàu tăng cao đột biến 40% từ tháng 5 do các tàu phải đi vòng qua eo biển Hormuz.

Do Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, từ 50 - 100%, dẫn đến việc Trung Quốc gom hết container về nước để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Việc này khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao.

Nửa đầu năm 2024, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh sang Mỹ dao động từ 9,6 - 10,1 USD/kg, giá tôm sú dao động từ 14,9-19,3 USD/kg. Giá trung bình tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ trong quý II năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với quý đầu năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu trung bình tôm sú sang Mỹ trong quý II năm nay có xu hướng ngược với tôm chân trắng. Giá tôm sú xuất khẩu sang Mỹ trong quý II năm nay có xu hướng giảm so với quý I năm nay. Giá trung bình xuất khẩu tôm sú giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6.

Theo FAS.USDA, Mỹ nhập khẩu 297.928 tấn tôm, trị giá 2,3 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm 1% và giảm 8% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5/2024, Mỹ nhập khẩu 63.973 tấn tôm, trị giá 486 triệu USD trong tháng 5/2024, tăng 3% về lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước do giá giảm xuống còn 3,59 USD/pao, giảm 3% so với tháng trước (3,7 USD/pao) và 8% so với tháng 5/2023 (3,92 USD/pao).

Như vậy, nhập khẩu tôm của Mỹ đã bắt đầu tăng từ tháng 5 mặc dù quy định sơ bộ về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu.

Theo truyền thống, nửa đầu năm Mỹ thường nhập khẩu khoảng 40%, nửa cuối năm 60%. Như vậy dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 5, tổng khối lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong năm 2024 có thể sẽ cao hơn năm 2023.

Dự báo giá cà phê ngày 7/8/2024 tiếp tục chuỗi ngày giảm mạnh?

 

Dự báo giá cà phê ngày 7/8/2024: Tiếp tục chuỗi ngày giảm mạnh?

Dự báo giá cà phê ngày 7/8/2024, tại thị trường trong nước tiếp nối đà giảm. Trong báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 964 nghìn tấn, trị giá gần 3,54 tỷ USD; giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, tính riêng trong tháng 7/2024, xuất khẩu cà phê của nước ta đã ước đạt hơn 70.000 tấn; giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái và gần như không đổi so với tháng 5. Cơ quan này dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ giảm do nguồn cung thấp.

Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/25 bắt đầu, thì nguồn cung mới tăng trở lại. Ở niên vụ 2023/24, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm; giảm 20% so với niên vụ 2022/23 (số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn). Sản lượng niên vụ 2024/25 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.

Những thống kê này cho thấy, nếu không tính lượng hàng tồn kho của năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 200 ngàn tấn để xuất khẩu từ nay đến tháng 9/2024.

Dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành hàng cà phê Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá. Trong tháng 7, giá cafe xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng khi đạt mức 4.844 USD/tấn; tăng 5% so với tháng 6 và gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê giảm nhẹ 500 đồng so với ngày hôm qua nằm trong khoảng 122.000-122.600 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 122.500 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 122.600 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai (Chư Prông) là 122.500 đồng, ở Pleiku và La Grai cùng giá 122.400 đồng/kg; tại tỉnh Kon Tum cà phê được thu mua ở mức giá 122.500 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 122.600 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 122.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk giảm 500 đồng so với tuần trước; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 122.500 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 122.400 đồng/kg.

HOÀI TÂM tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>