Vì sao doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa tăng ?

26/05/2023 | 08:53 GMT+7

Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhưng việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) còn hạn chế. Vậy do đâu mà đến nay, số lượng doanh nghiệp KH&CN tại Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung hiện vẫn thấp ?

Dù có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc phát triển doanh nghiệp KH&CN còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ưu đãi nhưng…

Doanh nghiệp KH&CN được xác định là một nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển lĩnh vực KH&CN nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung. Những năm qua, nước ta đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, Nghị định số 13 ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, còn ban hành có nhiều chính sách miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất và mặt nước, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN,… để phát huy nguồn lực này.

Ông Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, cho biết: “Đến nay, cả nước có 712 doanh nghiệp KH&CN. Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho hơn 100 doanh nghiệp. Trong 712 doanh nghiệp KH&CN đó, có 300 doanh nghiệp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng”. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển số lượng doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 418 ngày 11-4-2012 của Thủ tưởng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 thì đến năm 2020, nước ta sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2022, cả nước chỉ mới có 712 doanh nghiệp KH&CN, tức chỉ đạt hơn 14% so với mục tiêu đề ra cho thời điểm năm 2020. Trong khi thực tế, còn khá nhiều doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp KH&CN.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2018-2022, toàn vùng có 39 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Riêng tỉnh Hậu Giang hiện chỉ có 3 doanh nghiệp KH&CN. Dù đã tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm năng, nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, tỉnh chưa phát triển được thêm doanh nghiệp KH&CN mới nào.

Không chỉ riêng Hậu Giang mà đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung đang gặp khó khăn trong việc phát triển số lượng doanh nghiệp KH&CN.

Điểm nghẽn cần được khơi thông

Trên thực tế, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được triển khai thực hiện theo Luật KH&CN năm 2000. Nhưng đến năm 2013, Luật KH&CN sửa đổi, dẫn đến tiêu chí về doanh nghiệp KH&CN đã khác so với trước đây. Vì vậy, Bộ KH&CN đã thay đổi tiêu chí công nhận doanh nghiệp KH&CN sao cho phù hợp với Luật KH&CN năm 2013, làm cho số lượng doanh nghiệp KH&CN chậm phát triển so với mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Về phía doanh nghiệp, cũng tồn tại nhiều nguyên nhân khiến họ không mặn mà với việc trở thành doanh nghiệp KH&CN. Trước tiên, khâu đăng ký cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đang có những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp, như doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH&CN, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH&CN. Thế nhưng, khi đã được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định,…

Để nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp KH&CN, trong thời gian tới, doanh nghiệp, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có thêm những giải pháp thiết thực hơn. Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận. Tạo điều kiện để doanh nghiệp KH&CN được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh việc phát triển số lượng, cần quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tuy nhiên, nếu chưa phải là doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp vẫn có thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dưới sự hỗ trợ từ quỹ phát triển KH&CN của từng doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN, cho biết: “KH&CN đã đồng hành với doanh nghiệp bằng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN và sử dụng quỹ cho các hoạt động KH&CN. Doanh nghiệp sẽ không phải tính thuế thu nhập trên phần quỹ đã trích lập ấy, để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển hoạt động KH&CN của mình”.

Với những sự quan tâm, hỗ trợ đó, mong rằng trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp KH&CN của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung sẽ tăng nhanh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN. Từ đó, tạo ra nhiều giá trị, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tỉnh Hậu Giang hiện chỉ có 3 doanh nghiệp KH&CN

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2018-2022, toàn vùng có 39 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Riêng tỉnh Hậu Giang hiện chỉ có 3 doanh nghiệp KH&CN.

Theo mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 418 ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, thì đến năm 2020, nước ta sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2022, cả nước chỉ mới có 712 doanh nghiệp KH&CN, tức chỉ đạt hơn 14% so với mục tiêu đề ra cho thời điểm năm 2020.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>