Ươm mầm khoa học - công nghệ

04/08/2022 | 19:02 GMT+7

Thực tập tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang là cơ hội để sinh viên các trường đại học được học hỏi, trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức và kinh nghiệm cho công việc sau này.

Sinh viên được đi thực tế để tìm hiểu kiến thức canh tác nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

Cơ hội trải nghiệm

Vừa qua, những ai có dịp đến Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), sẽ thấy sự xuất hiện của những “làn gió mới”. Đó là sinh viên khóa 45, ngành khoa học cây trồng của Trường Đại học Cần Thơ. Các em đã đến thực tập tại trung tâm và đi thực tế ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Hoạt động này là một trong những nội dung hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với Trường Đại học Cần Thơ. Đây là nhóm thứ hai gồm 7 sinh viên đến thực tập tại trung tâm. Trước đó, có 11 sinh viên của ngành này đã hoàn thành chương trình thực tập tại đây.

Trong thời gian 4 tuần, sinh viên có cơ hội học tập, trải nghiệm nhiều hoạt động, được hướng dẫn thực hành nuôi cấy mô, tìm hiểu quy trình bảo tồn nguồn gen nội vi, ngoại vi của các loại cây trồng đặc trưng, chủ lực. Thực hành phân lập nấm, nhận biết nguyên liệu đầu vào và nắm bắt phương pháp chế biến sâu các loại nông sản của tỉnh. Các em còn được trải nghiệm hoạt động thực tiễn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A,… Làm quen với hoạt động chuyển giao công nghệ, tập huấn cho nông dân. Tập nhận diện sâu bệnh trên các loại cây trồng như mít, bưởi, khóm, lúa và các loại cây có múi, nắm được kỹ thuật canh tác.

Trở về thực tập ngay trên quê hương của mình, em Nguyễn Thanh Ngân, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, vui mừng. “Do nhà em làm ruộng, những người đi trước trong gia đình đều học về lĩnh vực nông nghiệp, nên em cũng muốn học ngành này để có thể tiếp nối truyền thống gia đình và làm nông theo cách hiện đại, bài bản hơn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực tập ở đây, em được đến nhiều địa phương khác trong tỉnh và hiểu hơn về nền nông nghiệp của tỉnh nhà”, Ngân chia sẻ.

Đối với những sinh viên ngoài tỉnh, đợt thực tập này là cơ hội để các em được tìm hiểu sâu hơn về nền nông nghiệp và hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Hậu Giang để làm phong phú thêm vốn kiến thức và trải nghiệm của mình. Theo TS. Trần Thị Bích Vân, Bộ môn Khoa học cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ: “Thực tập cơ sở khoa học cây trồng là cơ hội để sinh viên va chạm thực tế, làm quen với môi trường làm việc. Cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống. Kết hợp những lý thuyết đã học được vào việc giải quyết các vấn đề thực tế, giúp sinh viên hoàn thành khóa học và đảm bảo năng lực làm việc trước khi ra trường”.

Tạo nguồn nhân lực cho tương lai

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã, đang và sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là điều rất cần thiết để nâng cao tiềm lực lĩnh vực này của tỉnh giai đoạn tới. Thế hệ học sinh, sinh viên chính là nguồn nhân lực tiềm năng và đầy triển vọng, cần được quan tâm, vun bồi để các em tự tin theo đuổi đam mê, phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Việc thực tập của các sinh viên ngành khoa học cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh là một hoạt động cần thiết, hữu ích để tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho tương lai.

TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh, cho biết: “Mục đích của hoạt động này là giúp cho sinh viên có cái nhìn thực tiễn để so sánh với lý thuyết học đường. Khi các em xuống thực tập, chúng tôi tìm hiểu xem các em đã học được những gì và chưa học những gì. Chúng tôi xét ở góc độ của một nhà tuyển dụng nhân sự và nhu cầu thực tế tại tỉnh trong thời gian qua, để thấy là cần cho các em những gì có ích cho công việc của các em sau này. Các em là thế hệ kế nghiệp, nên chúng tôi cố gắng truyền đạt hết cho các em những gì chúng tôi có”.

Một tháng thực tập không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng đủ để các em sinh viên có những bài học, những trải nghiệm cho nghề nghiệp tương lai của mình. Sinh viên Phan Chấn Hiệp chia sẻ: “Đợt thực tập này rất có ý nghĩa đối với nhóm chúng em. Chúng em được học nhiều kiến thức, có nhiều trải nghiệm mà trước đây khi học ở trường chưa có được. Giúp em thấy có nhiều hứng thú, đam mê đối với ngành học và định hướng công việc sau khi ra trường”.

Bên cạnh Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ của tỉnh còn phối hợp với một số viện, trường khác như Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang,… để đưa sinh viên, nghiên cứu sinh đến nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn tại trung tâm. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của ngành khoa học và công nghệ tỉnh, tạo đà nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực để giúp ngành khoa học và công nghệ tỉnh vững tiến trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích